Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 3/2021 đạt 145 nghìn tấn, kim ngạch 275 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 27,3% về kim ngạch so với tháng 2/2021; giảm 21,1% về lượng và giảm 11% về kim ngạch so với tháng 3/2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 428 nghìn tấn, kim ngạch 771 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 11,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ ổn định trong năm 2021
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), mặc dù xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 10,21 triệu bao, nhưng tổng xuất khẩu trong 4 tháng đầu niên vụ 2020/2021, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 9, vẫn cao hơn 3,7% so với cùng kỳ niên vụ trước (xuất khẩu tăng trong giai đoạn này lên tổng cộng 41,9 triệu bao so với 40,9 triệu bao được sản xuất trong cùng kỳ vụ trước). Điều này chủ yếu được cho xuất khẩu từ Brazil tăng 21,9% (hay 16,77 triệu bao), nơi các nhà sản xuất tận dụng việc giảm xuất khẩu từ hầu hết các khu vực khác để tăng thị phần của họ.
Trong khoảng thời gian tương ứng, xuất khẩu cà phê của châu Phi giảm 13% tương đương 3,81 triệu bao do các lô hàng từ ba trong số năm nhà sản xuất lớn nhất của khu vực giảm; xuất khẩu của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 3,9% xuống 12,19 triệu bao, trong khi xuất khẩu từ Mexico và Trung Mỹ giảm 17,5% xuống 2,62 triệu bao; xuất khẩu từ các nước Nam Mỹ giảm một phần là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này, bao gồm cả các cơn bão Eta và Iota.
Các chuyên gia thị trường đưa ra quan điểm trái ngược về mức độ nhu cầu trên thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 và các hạn chế liên quan đến việc thực hiện chính sách cách ly xã hội trên khắp thế giới, với một số nhà phân tích chỉ ra rằng nhu cầu đã giảm mặc dù nhu cầu sử dụng tại nhà tăng lên. Trong đó, theo ICO, cung và cầu cà phê toàn cầu dự kiến sẽ được cân bằng trong niên vụ 2020/2021, với ít thay đổi so với dự báo trước đó, cho thấy thặng dư 5,27 triệu bao; theo một số nhà phân tích thị trường được Reuters khảo sát cho biết mức thặng dư lớn hơn 8 triệu bao đang được dự báo cho niên vụ 2020/2021; còn theo một báo cáo gần đây trên nền tảng nghiên cứu ResearchAndMarkets.com, thị trường cà phê toàn cầu được định giá 465,9 tỷ USD (khoảng 6,97 nghìn tỷ Rupiah) vào năm 2020.
Thị trường chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu từ châu Âu, nhưng châu Mỹ dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê đáng kể nhất trong trung hạn, do sự gia tăng sử dụng máy pha cà phê và hệ thống pha một lần. Hơn nữa, nhu cầu về cà phê viên nén và vỏ cà phê pha sẵn tăng cao cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cà phê.
Về giá cà phê: Mặc dù giá cà phê thế giới đang chịu áp lực từ những lo ngại về nhu cầu sau khi Đức, Pháp và Italia gần đây đã mở rộng các biện pháp ngăn chặn đại dịch, điều này sẽ làm giảm nhu cầu cà phê do các nhà hàng và quán cà phê sẽ giảm giờ làm hoặc buộc phải đóng cửa. Tuy vậy, yếu tố tích cực đối với giá cà phê là điều kiện khô hạn ở Brazil. Somar Metorologia báo cáo rằng lượng mưa tuần trước ở Minas Gerais, vùng trồng arabica lớn nhất Brazil, đo được 36,9 mm, hay chỉ bằng 86% so với mức trung bình lịch sử.
Giá cà phê cũng được hỗ trợ từ suy đoán rằng nhu cầu cà phê của Mỹ sẽ cải thiện khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh và dịch bệnh dần được kiểm soát, điều này sẽ cho phép nhiều nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại. Mức trung bình trong 7 ngày của các ca nhiễm SAR-CoV-2 mới của Mỹ đã giảm xuống 51.820 vào ngày 14/3, mức thấp nhất trong 5 tháng.
Cà phê được hỗ trợ khi Conab- Cơ quan Thống kê Nông nghiệp Quốc gia của Brazil, dự báo vào ngày 28/1/2021 rằng sản lượng cà phê Arabica năm 2021 của Brazil sẽ giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2020 xuống mức thấp nhất trong 12 năm là 31,35 triệu bao. Conab cho biết, sản lượng cà phê sẽ giảm do cây cà phê của Brazil đang ở trong nửa năng suất thấp hơn của chu kỳ hai năm một lần và lượng mưa không đủ trong các giai đoạn phát triển chính của cây trồng đang làm trầm trọng thêm sự sụt giảm sản lượng. Ngoài ra, Marex Spectron vào ngày 5/3/2021 đã nâng ước tính thâm hụt cà phê năm 2021/22 toàn cầu lên 10,7 triệu bao so với ước tính trước đó là 8,0 triệu bao, với lý do sản lượng từ Brazil giảm sau khi thời tiết bất lợi làm hư hại cây cà phê.
Nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt Nam thời gian tới
Tại Việt Nam, theo nhận định, xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ tăng lên nhờ nhu cầu tăng và giá phục hồi.
Giá cà phê thế giới đang trên đà tăng nhờ những yếu tố như nguồn cung từ các nước sản xuất lớn giảm, trong khi đó, tồn kho cà phê khả dụng tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19, do tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao và tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Ngoài ra, thông tin thử nghiệm vaccine cũng sẽ thúc đẩy lượng xuất khẩu tăng lên.
Hiện châu Âu là thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33,8% tổng lượng và 58,9% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang được hỗ trợ bởi hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường này đã được xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0%, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 3/2021 ước đạt 145 nghìn tấn, kim ngạch 275 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 27,3% về kim ngạch so với tháng 2/2021; giảm 21,1% về lượng và giảm 11% về kim ngạch so với tháng 3/2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 428 nghìn tấn, kim ngạch 771 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 11,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 02/2021 đạt 122,8 nghìn tấn, kim ngạch 215,9 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 23% về kim ngạch so với tháng 01/2021; giảm 34,2% về lượng và giảm 30,9% về kim ngạch so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 283,3 nghìn tấn, kim ngạch 496,4 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê tháng 02/2021 đạt 1.758,1 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng 01/2021 và tăng 4,9% so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê của Việt Nam đạt 1.752 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 02/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm ở nhiều thị trường, tuy vậy, xuất khẩu sang một số thị trường thuộc khu vực EU vẫn tăng so với tháng 02/2020 như Phần Lan tăng 45,9% về lượng và tăng 48,3% về kim ngạch; Rumani tăng 19% về lượng và tăng 4,8% về kim ngạch; Hunggary tăng 177,3% về lượng và tăng 153,3% về kim ngạch. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường New Zealand tăng mạnh 273,8% về lượng và tăng 125,7% về kim ngạch so với tháng 02/2020.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, tuy vậy, xuất khẩu sang một số thị trường khác vẫn tăng khá như Malaysia tăng 10,3% về lượng và tăng 10,9% về kim ngạch; Hàn Quốc tăng 24,8% về lượng và tăng 16,9% về kim ngạch; Trung Quốc tăng 90,3% về lượng và tăng 83,3% về kim ngạch; Thái Lan tăng 29,4% về lượng và tăng 27% về kim ngạch…
Theo: Bộ Công Thương