5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 720 nghìn tấn, kim ngạch 1,303 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu (trung bình đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới nhờ tận dụng cơ hội EVFTA mang lại.
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 5/2021 ước đạt 135 nghìn tấn, kim ngạch 148 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 0,7% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 3,7% về lượng và tăng 12,6% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 720 nghìn tấn, kim ngạch 1,303 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 585 nghìn tấn, kim ngạch 1,055 tỷ USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 8,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1.803,5 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.
4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường chủ lực là EU và Mỹ đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 32% về lượng và giảm 24,6% về kim ngạch, đạt 200,3 nghìn tấn, kim ngạch 352,8 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 27,4% về lượng và giảm 22% về kim ngạch, đạt 40,9 nghìn tấn, kim ngạch 79,5 triệu USD.
Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy, với những tín hiệu từ sự phục hồi các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tăng trưởng trong nửa sau của năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê sang thị trường EU được nhận định sẽ tích cực hơn khi nhu cầu đối với mặt hàng cà phê tại EU vẫn rất lớn.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu tiêu thụ cà phê ở EU không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch Covid-19 chỉ tác động tiêu cực lên thị trường cà phê EU trong ngắn hạn. Về dài hạn, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, do đó, ngành hàng cà phê Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường tiềm năng lớn này.
EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 34% tổng lượng và 33% tổng kim ngạch xuất khẩu (trung bình đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%.
Việt Nam với lợi thế là một trong những nguồn cung cấp cà phê uy tín cho thị trường EU, cùng với Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Trong đó, Đức và Ý có ngành công nghiệp rang xay lớn nhất EU. Bỉ là trung tâm thương mại cà phê ở EU. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê vào các thị trường trên chịu sự cạnh tranh lớn. Thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam nên khai thác các thị trường ngách Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nơi số lượng các cửa hàng cà phê đang gia tăng mạnh.
Cơ hội xuất khẩu cà phê sang thị trường EU rất lớn, tuy nhiên, để có thể khai thác tốt thị trường cà phê EU, một số lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam là:
+ Người tiêu dùng cà phê EU hiểu biết và khắt khe hơn. Phân khúc sản phẩm cà phê pha sẵn và đóng gói để uống một lần được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bên cạnh phân khúc cà phê đặc sản và cà phê được chứng nhận. Thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay nhỏ và các nhà sản xuất cũng được dự báo gia tăng. Blockchain đang trở thành một công cụ để tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Các sáng kiến bền vững trong ngành cà phê tiếp tục được mở rộng. Tăng cường hợp nhất trong phân khúc cà phê phổ thông.
+ Mặc dù tiêu thụ dự kiến sẽ ổn định trong dài hạn, nhưng EU sẽ vẫn hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là thị trường cà phê đặc sản. Do đó, trong phân khúc này, các nhà cung cấp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và thiết lập các mối quan hệ lâu dài, hơn là cạnh tranh về giá.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn, chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu. Giai đoạn 2020 – 2025, thị trường cà phê EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 5,5%/năm. EU có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất trên toàn thế giới với trên 5 kg cà phê/người/năm.
Đức, Italia và Bỉ nổi bật là những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê nhân. Nhưng các thị trường như Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cũng rất hấp dẫn. Các thị trường Đông Âu nhỏ hơn và có ít liên kết trực tiếp hơn với các nước sản xuất nhưng đang phát triển nhanh. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại cà phê chất lượng cao ở EU, đối với cả cà phê Arabica và Robusta đang mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê.
Theo: Bộ Công Thương