Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 3,26%, cách rất xa mục tiêu 14% cả năm.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,26%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,36% trong 6 tháng đầu năm 2019 và mức tăng 7,82% trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng 3,26% là con số hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và phù hợp với mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%.
NHNN đã bám sát diễn biến dịch Covid-19 nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục nhanh chóng sản xuất – kinh doanh.
Số liệu chi tiết tính tới 19/6/2020, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn tăng 0,35%; sản xuất – xuất khẩu tăng 4,94%; công nghệ cao tăng 2,92%; công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%. Mặc dù, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam từ đầu tháng 5/2020 và các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục, nhưng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa thực sự hồi phục và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu tín dụng ở mức thấp, dù lãi suất cho vay giảm.
Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu tăng lên khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) dù tích cực thực hiện chủ trương của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp (miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn, tái cơ cấu nợ…), nhưng vẫn thận trọng (không hạ chuẩn) trong việc xét duyệt các khoản vay mới.
Tính đến 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% và huy động vốn của các TCTD tăng 4,35% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 6,05% và 6,09%). Đây là sự cải thiện rõ rệt so với 4 tháng đầu năm 2020 khi tổng huy động vốn chỉ tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2020 một mặt cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện, nhưng mặt khác thể hiện sự khó khăn của các TCTD trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu cho thấy dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, đầu tư công càng cần phải được đẩy mạnh để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.
Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, mặc dù Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng quý so với cùng kỳ yếu nhất trong lịch sử, nhưng trong quý II/2020 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Nhìn chung, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán trước đây nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở lại nền kinh tế.
Theo đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống 8,5%.
Ngoài ra, HSBC nâng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2020 từ mức 2,7% lên mức 3,3% do giá thực phẩm dự báo tiếp tục tăng. Với sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lạm phát được kiểm soát tương đối trong năm nay, HSBC không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản của lãi suất trong quý III/2020. Mức lãi suất tái cấp vốn của NHNN sẽ được giữ nguyên ở mức 4,5%/năm trong suốt năm 2020.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong các tháng cuối năm 2020, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%. Bởi nguy cơ xảy ra làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai có thể hạn chế triển vọng xuất khẩu của Việt Nam và nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.
Nguồn: VietnamCredit tổng hợp
- Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về ngành tín dụng Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-credit-granting_1051#K