5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 641,67 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy vào Việt Nam đạt 1,33 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tốc độ nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị phần giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam tại Mỹ vẫn ở mức thấp. Do đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy vào thị trường Mỹ và mở rộng thị phần.
Diễn biến giá giấy thu hồi và bột giấy nhập khẩu tại thị trường châu Á tháng 6/2021
Về giá giấy thu hồi (RCP)
Giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu tại châu Á lại bắt đầu vào thời điểm tăng giá, với xuất phát điểm từ thị trường Ấn Độ, do nhu cầu bột giấy tái chế tại thị trường Trung Quốc gia tăng.
Ngay trong tuần đầu tháng 6/2021 các nhà máy tại Ấn Độ đã tăng cường mua các loại RCP từ Mỹ và châu Âu để sản xuất bột giấy tái chế, đáp ứng yêu cầu của khách hàng Trung Quốc. Các nhà sản xuất Ấn Độ hầu như mua tất cả các loại RCP, bao gồm OCC, ONP và mixed paper…
Hiện nay, các nhà sản xuất tại Indonesia cũng đang thúc đẩy mua vào RCP, điều này đã gây nên tình trạng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ở hai nước Ấn Độ và Indonesia. Trong khi đó, nguồn cung RCP hạn chế, chi phí vận chuyển quốc tế tăng và khó khăn vận tải do thiếu container rỗng… đã làm gia tăng sự cạnh tranh và đẩy giá RCP lên cao.
OCC(11) của Mỹ chốt giá 290-300 USD/tấn và OCC(12) có giá cao hơn 10 USD/tấn ở cả thị trường Ấn Độ và Indonesia. Tại thị trướng Ấn Độ giấy mixed paper của Mỹ được mua vào với giá tới 175-195 USD/tấn.
Đầu tháng 6/2021, giá bột OCC tái chế của Ấn Độ bán cho Trung Quốc đã tăng lên lên 455-470 USD/tấn từ khoảng 450 USD/tấn vào đầu tháng 5, trong khi bột ONP tái chế (dạng cuộn) đạt mức 500 USD/tấn.
Xu hướng tăng giá RCP tại Ấn Độ đã thúc đẩy và lan sang cả các thị trường khác tại châu Á. Tại Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á (không tính Indonesia), giá OCC(11) của Mỹ đã tăng từ 235-280 USD/tấn cuối tháng 5, lên 260-295 USD/tấn. Tương tự, OCC(95/5) của châu Âu đã tăng từ 235-260 USD/tấn lên 255-270 USD/tấn. OCC của Nhật Bản tăng 10 USD/tấn, đạt 270-280 USD/tấn ở Đông Nam Á và Đài Loan.
Trong khi Mixed paper nhập khẩu từ Mỹ đã tăng 15-35 USD/tấn, chốt giá ở mức 175-195 USD/tấn tại Đông Nam Á, Mixed paper châu Âu đã tăng 35-50 USD/tấn lên 175- 230 USD/tấn, giá Mixed paper tăng đột biến tại các thị trường châu Á được cho là xuất phát từ thị trường Ấn Độ.
Do mức tăng giá RCP đột xuất và có mức tăng cao nên các nhà nhập khẩu chưa chấp nhận với mức tăng này, dẫn đến đàm phán kéo dài và nguồn cung sẵn có đã giảm xuống. Hơn nữa, tại khu vực Đông Nam Á nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, hoạt động sản xuất, tiêu thụ nội địa và thu gom bị ảnh hưởng dẫn đến nguồn dự trữ RCP trong khu vực thấp. Trong khi đó nhu cầu RCP ở Mỹ và châu Âu đã được cải thiện sau khi triển khai vắc xin nhanh chóng ở đó, dẫn đến giảm nguồn cung xuất khẩu sang châu Á.
Về giá bột giấy:
Tuần đầu tháng 6/2021, giá bột giấy nhập khẩu tại thị Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức ổn định, nhưng giá bột bán lại nội địa và giá các hợp đồng giao dịch kỳ hạn tiếp tục giảm mạnh.
Giá bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng phía Bắc (NBSK) vẫn ở mức 985 USD/tấn, không thay đổi so với tuần cuối tháng 5/2021. Giá bột NBSK Canada và Bắc Âu dao động từ 940-1.010 USD/tấn. Bột BHKP vẫn giữ giá ở mức 777,11 USD/tấn, không thay đổi.
Trong khi các nhà sản xuất lại đang mua vào và dự trữ bột BSK với giá thấp hơn. Bột BSK của Nga hiện có giá 960-970 USD/tấn, bột gỗ thông radiata có giá 960-980 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa Trung Quốc, giá NBSK bán lại giảm còn khoảng 846,50 USD/tấn sau khi trừ thuế VAT và dịch vụ logistics. Bột BHK giảm xuống, còn khoảng 655 USD/tấn.
Tại các giao dịch hợp đồng kỳ hạn, giá BSK tiếp tục giảm. Trong tuần đầu tháng 6, bột BSK giao dịch ở mức 842 USD/tấn, nhưng trong các hợp đồng giao hàng tháng 7, giá BSK chỉ còn ở mức 832 USD/tấn, sau khi trừ thuế VAT và chi phí logistics.
Giá bột NBSK ở mức 960 USD/tấn và BHKP ở mức 770 USD/tấn. Tuy nhiên, giá NBSK giao tháng 7/2021 chỉ ở mức 915 USD/tấn và BHKP ở mức 730 USD/tấn.
Tình hình xuất – nhập khẩu ngành giấy của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021
Về xuất khẩu:
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 641,67 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 5/2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy đạt 136,8 triệu USD, giảm 1,1% so với tháng 4/2021 nhưng tăng 28,9% so với tháng 5/2020.
5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy nhiều nhất sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, chiếm 40,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020; trái lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 12,4%.
Nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy sang một số thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020 như Campuchia, Malaysia, Đài Loan, Indonesia…. Trái lại, xuất khẩu sang một số thị trường giảm như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đức, UAE.
Tính riêng trong tháng 5/2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy sang một số thị trường tăng mạnh như Indonesia tăng 251,8%; Anh tăng 679,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu:
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy vào Việt Nam đạt 1,33 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chiếm 77,4% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy là mặt hàng giấy các loại.
Nhập khẩu giấy các loại về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1,04 triệu tấn, kim ngạch 921,8 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 35,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu giấy các loại chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 64,9% tổng lượng nhập khẩu. Nhập khẩu giấy các loại từ các thị trường trên đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, riêng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 0,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhập khẩu giấy các loại từ thị trường Ấn Độ tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tăng 134,8% về lượng và tăng 145,3% về kim ngạch, đạt 56,3 nghìn tấn, kim ngạch 35,6 triệu USD.
Triển vọng xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy sang thị trường Mỹ
Mỹ là thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mỹ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy rất lớn, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm đạt khoảng 15-17 tỷ USD, riêng năm 2018, nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy vào Mỹ đã đạt trên 18 tỷ USD.
Nhập khẩu giấy và các sản phẩm giấy vào Mỹ giảm có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018-2020 với tốc độ giảm bình quân 6,7%/năm, trong đó, Mỹ giảm nhập khẩu từ các thị trường như Canada giảm 7,11%/năm, Trung Quốc giảm 18,5%/năm, Đức giảm gần 7%/năm, Phần Lan giảm 12,3%/năm, Hàn Quốc giảm 11,1%/năm… Trái lại, Mỹ tăng nhập khẩu từ Mexico, tăng 5,7%/năm, Thụy Điển tăng 8,97%/năm, đặc biệt, nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy từ Việt Nam tăng mạnh, tăng 65,9%/năm.
Hiện Việt Nam là nguồn cung giấy và sản phẩm giấy lớn thứ 8 vào Mỹ trong tổng số 161 quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp mặt hàng này vào Mỹ, chiếm chưa đến 3% thị phần.
Việc Mỹ giảm nhập khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy từ các thị trường chủ lực như Canada, Trung Quốc, Đức, Phần Lan, Hàn Quốc… và tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam trong bối cảnh thị phần mặt hàng giấy và các sản phẩm giấy của Việt Nam tại Mỹ còn thấp sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giấy của Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ thời gian tới.
Theo: Cafef