7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 12,13 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường xuất khẩu chính có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Với những tín hiệu tích cực về sự phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch, theo nhận định, người dân Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng thời gian tới, trong đó có mặt hàng giày dép.
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 7/2021 ước đạt 1,75 tỷ USD, giảm 11,8% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 28% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 12,13 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 10,23 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 6/2021, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD, tăng 37,4% so với tháng 6/2020.
6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu giày dép các loại nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 40,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là EU chiếm 23,2%; xuất khẩu sang các thị trường tham gia CPTPP chiếm 12,8%…
Nhìn chung, xuất khẩu giày dép các loại sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 41,1%, EU tăng 28,2%; CPTPP tăng 23,5%.
Theo nhận định, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp trên toàn cầu, nhưng tại những thị trường xuất khẩu chủ chốt của ngành, như Mỹ, EU, sức mua hàng hóa đã có sự hồi phục mạnh, nhờ đó gia tăng các đơn đặt hàng chảy về Việt Nam.
Thị trường da giày thế giới được dự báo sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2021, giúp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, tiếp tục tăng trưởng.
6 đầu năm 2021 các doanh nghiệp da giày đã chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại, trong đó có FTA với EU nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Tính đến hết quý 2/2021, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như Mỹ, EU… đã tăng trên 10%.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2021. Hoạt động sản xuất ổn định tại nhiều khu vực có nhiều nhà máy sản xuất đóng đô là điểm thu hút đơn hàng của ngành da giày Việt Nam. Ngoài ra, sự ổn định về giá nhân công, lao động, tình hình chính trị… cũng là những yếu tố khiến nhà nhập khẩu yên tâm đặt hàng từ Việt Nam.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá nhân công của Trung Quốc tăng cao, còn tại Myanmar, do bất ổn chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đơn hàng. Campuchia cũng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, buộc nhà nhập khẩu phải tính toán lại đơn đặt hàng.
Dự báo, cả năm 2021 xuất khẩu da giày, túi xách sẽ về đích khoảng 22 tỷ USD, tương đương mức thực hiện trong năm 2019.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường xuất khẩu chính có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.
Theo IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7% nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi. IMF cũng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 sẽ là 4,9%, tăng so với mức 3,5% được đưa ra trước đó.
Những điều chỉnh của IMF phản ánh sự khác biệt quan trọng trong diễn biến đại dịch Covid-19 khi biến thể Delta xuất hiện, với sự chênh lệch rõ nét trong tiến trình tiêm chủng và tiếp cận vaccine giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, sự khác biệt về quy mô trong các gói hỗ trợ chính sách cũng là nguyên nhân gây ra sự chia tách ngày càng sâu sắc.
Triển vọng của nền kinh tế Mỹ càng sáng hơn khi các dữ liệu quan trọng được công bố trong tuần qua cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất trong tháng 6/2021, bất chấp những hạn chế về nguồn cung cản trở hoạt động sản xuất tại một số nhà máy. Theo đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền tại các nhà máy của Mỹ trong tháng 6/2021 đã tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này cho thấy hoat động chi tiêu của doanh nghiệp vào các thiết bị sản xuất có thể tiếp tục vững mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, số liệu mới được công bố cũng cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn được duy trì ở mức cao bất chấp sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 dẫn tới sự gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19. Với những tín hiệu tích cực về sự phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch, theo nhận định, người dân Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng thời gian tới, trong đó có mặt hàng giày dép.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu giày dép các loại (HS 64) vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 10,6 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện Trung Quốc và Việt Nam là 2 nguồn cung giày dép chính vào Mỹ, chiếm 71,24% tổng trị giá nhập khẩu. Nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc và Việt Nam vào Mỹ tăng lần lượt là 20,1% và 24,8% trong 5 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù nhập khẩu giày dép của Trung Quốc vào Mỹ tăng trong 5 tháng năm 2021 nhưng tỷ trọng giày dép của Trung Quốc tại Mỹ lại giảm xuống 38,12% trong 5 tháng năm 2021 từ mức 40,29% trong 5 tháng năm 2020, trong khi đó, tỷ trọng giày dép của Việt Nam tại Mỹ giảm nhẹ từ mức 33,69% xuống còn 33,12%. Điều này cho thấy, hàng giày dép của Việt Nam đang dần chiếm ưu thế tại Mỹ.
Theo: Bộ Công Thương