Theo ước tính, xuất khẩu gạo trong tháng 1/2021 đạt 280 nghìn tấn, trị giá 154 triệu USD, giảm 48,8% về lượng và giảm 47,2% về trị giá so với tháng 12/2020, so với tháng 1/2020 giảm 29,5% về lượng và giảm 20,2% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân gạo trong tháng 1/2021 ước đạt mức 550 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 12/2020 và tăng 13,2% so với tháng 1/2020.
Năm 2020, gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhất so với năm 2019 trong nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam do giá gạo tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 đạt 6,25 triệu tấn, trị giá 3,12 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng, nhưng tăng 11,2% về trị giá so với năm 2019. Mặc dù khối lượng giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng Việt Nam đã vượt Thái Lan, trở thành thị trương xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ. Năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan ước đạt 5,8 triệu tấn.
Trong năm 2020, giá xuất khẩu gạo bình quân ở mức 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Giá gạo của Việt Nam liên tục tăng cao trong cả năm 2020 do hoạt động tích trữ lương thực trước tác động của dịch Covid-19 và nguồn cung tại một số nước như: Thái Lan, Trung Quốc… bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cùng với giá xuất khẩu tăng cao, cơ cấu chủng loại và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 tiếp tục chuyển biến tích cực khi xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao tăng, trong khi xuất khẩu gạo giá trị thấp giảm. Gạo trắng vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, đạt 3,06 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 16,3% về lượng và 3,8% về trị giá so với năm 2019. Tỷ trọng của gạo trắng trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 48,3% trong năm 2020, từ mức 57,5% của năm 2019.
Lượng gạo thơm (Jasmine, DT8, KDM…) xuất khẩu trong năm 2020 đạt 1,93 triệu tấn, trị giá 1 tỷ USD, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 3,7% về trị giá so với năm 2019. Xuất khẩu gạo giống Nhật cũng giảm 6,5% về lượng, nhưng tăng 2,5% về trị giá.
Hai chủng loại gạo tăng trưởng tích cực trong năm 2020 là nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ tăng 5,3% so với năm 2019 và gạo nếp tăng 146,6%.
Về thị trường:
Trong năm 2020, cùng với việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Philippin, Trung Quốc, Malaysia… gạo của Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác như: Mỹ, Hàn Quốc, EU, Australia…
Năm 2020, xuất khẩu gạo tăng trưởng khi dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia tăng, cùng với đó, việc ngành lúa gạo chuyển hướng từ sản xuất và xuất khẩu lúa gạo phẩm cấp thấp, sang sản xuất và xuất khẩu lúa gạo phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ ngành gạo trong năm 2020. Đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội cho lúa gạo Việt Nam tại thị trường châu Âu. Mặc dù hạn ngạch mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết cho Việt Nam chỉ 80 nghìn tấn, song việc gạo Việt Nam vào được thị trường này sẽ là cơ sở để gạo tiếp tục thâm nhập các thị trường khó tính khác. Việc được EU mở cửa thị trường cũng gián tiếp giúp gạo Việt khẳng định chất lượng bởi EU là một trong những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất thế giới.
Dự báo, năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến nhu cầu thực phẩm tăng và giá gạo nhiều khả năng vẫn ở mức cao. Tháng 01/2021, giá gạo tại thị trường châu Á đã ở mức cao do nhu cầu tăng và nguồn cung thấp.
Theo Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), tiêu thụ gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 và 2022 do dân số tăng và chính phủ các nước, nhất là ở Châu Á, ngày càng quan tâm đến các chương trình an ninh lương thực. EIU dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2020/21 sẽ đạt mức cao kỷ lục 496 triệu tấn, và sẽ tăng lên 501 triệu tấn trong niên vụ 2021/22.Về nguồn cung, EIU dự báo sản lượng gạo xay xát niên vụ 2020/21 sẽ ở mức 504 triệu tấn. Dự báo về niên vụ 2021/22 còn nhiều yếu tố không chắc chắn do vụ gieo trồng chưa bắt đầu. Tuy nhiên, EIU cũng đưa ra những nhận định sơ bộ là diện tích trồng lúa sẽ tăng nhẹ, năng suất cũng tăng và sản lượng sẽ cao kỷ lục 509 triệu tấn.
Ngay từ tháng đầu năm 2021, những tín hiệu thị trường cho thấy nhu cầu gạo từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippin, các nước Đông Nam Á, châu Phi… vẫn ở mức cao. Thị trường gạo châu Á sôi động khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang đẩy mạnh mua vào, trong đó có thể kế đến như Trung Quốc và Bangladesh… Trung Quốc và Bangladesh đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh vì dịch Covid-19 và sản xuất trong nước bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong năm 2020. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi cho thương mại các loại nông sản, sau giai đoạn hoạt động giao thương giữa hai bên gặp khó khăn vì Covid-19.
Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ ở các thị trường có nhu cầu lớn như Philippin hay châu Phi, mà vừa qua, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được thực thi sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam. Điển hình như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Những thị trường này tuy khối lượng nhập khẩu không cao nhưng đây lại là các thị trường tiềm năng cho các loại gạo có giá trị gia tăng cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc sản lượng gạo của Thái Lan phục hồi sau một năm mất mùa do hạn hán và sự cạnh tranh về giá trên thị trường sẽ là yếu tố chính tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021.Theo dự báo mới nhất, Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 của nước này đạt 6,5 triệu tấn, cao hơn lượng 5,8 triệu tấn năm 2020.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Gạo Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wholesale-of-rice-wheat-other-cereals-and-wheat-flour_682#G