Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm nhờ tâm lý nhà đầu tư đang rất mạnh, thị trường hoàn toàn có thể xác lập các đỉnh mới cao hơn trong các phiên giao dịch tới. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tiếp tục tạo sức nóng, thu hút nhà đầu tư. Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tươi sáng nhờ dòng vốn đầu ETF đầu tư tăng mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/5/2021, chỉ số VN-Index tăng 13,05 điểm (tăng 1,04%), lên 1.269,09 điểm với 309 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 700,7 triệu đơn vị, giá trị 20.924,8 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 7,7% về giá trị so với giao dịch ngày 11/5/2021. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị 1.565 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 2,57 điểm (+0,92%), lên 282,33 điểm với 128 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,3 triệu đơn vị, giá trị 1.978,9 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên giao dịch ngày 11/5/2021. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,49%), lên 81,47 điểm với 182 mã tăng, 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,5 triệu đơn vị, giá trị 948 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 129,8 tỷ đồng.
Đóng góp vào mức tăng chung của thị trường là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Nhờ thế, một số cổ phiếu ngân hàng có tên tuổi như VPB, TCB, MBB, STB, CTG… được thống kê thanh khoản tính theo giá trị giao dịch liên tục tăng.
Cụ thể, sự bùng nổ thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu tháng 5/2021 đến nay rất rõ nét. Trong phiên giao dịch tăng mạnh nhất vừa qua với 4 cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giao dịch vượt 1.000 tỷ đồng, thanh khoản thấp nhất là mã CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đạt 1.072 tỷ đồng và cao nhất là mã VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 1.431 tỷ đồng. Đó cũng là phiên giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 30% tổng giá trị khớp lệnh cả 2 sàn.
Đặc biệt, chỉ trong tuần gần đây nhất, nhóm 30 vốn hóa toàn thị trường, cả 4 vị trí dẫn đầu về mức tăng giá đều thuộc về các cổ phiếu nhóm ngân hàng như mã TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tăng 14,8%, mã CTG tăng 7,4%, mã VPB tăng 5,1%…
Trong phiên giao dịch ngày 12/5/2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng đến hết phiên. Trong đó, mã STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được kéo lên mức giá trần 26.350 đồng/cổ phiếu kèm lượng giao dịch lớn lên gần 60 triệu đơn vị. Hay mã TCB tăng 4,5% lên 49.100 đồng/cổ phiếu; TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng 2,6% lên 31.800 đồng/cổ phiếu…
Trong một thời gian ngắn, một số mã cổ phiếu ngân hàng có giá liên tục tăng trong thời gian dài. Đơn cử như, trong năm 2020, mã SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là quán quân với mức tăng giá cổ phiếu đạt hơn 210% ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt mức tăng 89%, đạt mức giá 32.400 đồng/cổ phiếu…
Tiếp tục nhiều triển vọng tăng trưởng
Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng trong vài tuần tới đây đón nhận nhiều động lực tăng trưởng mạnh từ mùa báo cáo lợi nhuận khả quan, các số liệu vĩ mô tích cực, các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, hay một số động lực tăng trưởng riêng ở từng ngân hàng liên quan đến thông tin thoái vốn công ty con, bán cổ phần cho đối tác chiến lược, tăng vốn, trả cổ tức, kế hoạch kinh doanh lạc quan… Theo đó, mặt bằng giá cổ phiếu nhóm ngành này đã có sự bứt tốc mạnh mẽ và là ngành dẫn dắt chính cho thị trường chung trong thời gian qua.
Theo nhận định của giới chuyên môn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ có sức nóng thu hút nhà đầu tư khi tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành được kỳ vọng sẽ đạt mức từ 13- 14% trong năm 2021, cùng với đó hệ số biên độ lãi ròng – NIM (Net Interest Margin) sẽ còn tiếp tục được cải thiện khi các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, chi phí trích lập dự phòng đi ngang.
Bên cạnh đó, việc tăng giá cổ phiếu bao giờ cũng phản ánh cả giá trị nội tại của doanh nghiệp về mức độ an toàn, khả năng sinh lời, mô hình tăng trưởng bền vững… đồng thời phản ánh các yếu tố thị trường như: môi trường kinh tế vĩ mô, các kỳ vọng của nhà đầu tư, giá vốn. Vì vậy, với triển vọng tăng trưởng của ngành Ngân hàng thì cổ phiếu ngân hàng sẽ là lựa chọn được nhiều nhà đầu tư hướng đến.
Theo báo cáo của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tốt hơn cho năm nay nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (tăng 14 điểm cơ bản lên 3,68%). Kết quả này đến từ việc các khoản vay được cơ cấu lại, phí giao dịch, thanh toán và bảo hiểm cao hơn (tăng từ 12,1% lên 13,4% trong tổng thu nhập). Bên cạnh đó, chi phí tín dụng thấp hơn khi lãi suất giảm, mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng vẫn có thể gia tăng.
Hiện có hai yếu tố để có được nhận định này, đó là một số ngân hàng đã tất toán hết trái phiếu VAMC trong năm 2020 và các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng cao hơn, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn (12,8%), phù hợp với tốc độ tăng trưởng của GDP.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng 24% năm 2021, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm 22 điểm cơ bản.
Động thái chia cổ tức và tăng vốn của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu. Hiện nay, các nhà băng trên sàn có tổng số lượng gần 40 tỷ cổ phiếu. Theo ước tính sơ bộ, 3 sàn giao dịch sẽ có thêm hơn 8,6 tỷ cổ phiếu của các ngân hàng trong năm 2021, tương đương tăng hơn 21%, nếu các nhà băng trả cổ tức và chào bán theo kế hoạch trình cổ đông.
Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tươi sáng nhờ dòng vốn ETF đạt mức cao kỷ lục
Trong khi các thị trường mới nổi Châu Á bị rút ròng tháng sau 7 tháng liên tiếp có tiền đầu tư vào thì Việt Nam lại nổi lên là điểm sáng hút vốn. Các nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế. Và thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang là điểm sáng hút vốn tháng 4/2021 của khu vực Châu Á.
Trong tháng 4/2021, cổ phiếu vẫn hút dòng tiền toàn cầu nhưng sức nóng đã giảm bớt rất nhiều so với 3 tháng trước đó. Cụ thể, các quỹ cổ phiếu có thêm 66,3 tỷ USD vốn vào, giảm 55% so với tháng trước. Trong đó, vốn vào thị trường phát triển là 63 tỷ USD (giảm 50% so với tháng trước); các thị trường mới nổi chỉ là 3,3 tỷ USD (giảm 85% so với tháng trước) và là lượng vốn vào ít nhất trong 7 tháng gần đây.
Chiếm tới 92% tiền mới đổ vào các thị trường phát triển là các quỹ cổ phiếu ETF. Các quỹ đầu tư đa quốc gia cũng đã trở thành tâm điểm hút vốn thay cho thị trường Mỹ. Có 27,3 tỷ USD vốn vào thị trường Mỹ trong tháng 4/2021, giảm 63% so với tháng trước và thấp hơn lượng vốn vào các quỹ đầu tư đa quốc gia (31,2 tỷ USD).
Triển vọng hồi phục kinh tế hình chữ V sau đại dịch vẫn tạo ra sức hấp dẫn đối với cổ phiếu Mỹ nhưng áp lực từ kế hoạch tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21% lên 28%) của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ nhiệt dòng vốn vào thị trường này.
Đáng chú ý, do dịch bệnh bùng phát trở lại ở khu vực Châu Á đã khiến xu hướng suy yếu của dòng tiền vào khu vực này tiếp diễn trong tháng 4/2021 với 750 triệu USD rút ròng.
Như vậy, cổ phiếu các thị trường mới nổi Châu Á bị rút ròng tháng đầu tiên sau 7 tháng liên tiếp có tiền vào trước đó.
Dòng vốn vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh từ 4,8 tỷ USD (tháng 3/2021) xuống 319 triệu USD (tháng 4/2021), các thị trường mới nổi Châu Á còn lại đều bị rút ròng, trong đó nhiều nhất là Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan.
Hiện tại, áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát tháng 4/2021 của Bank of America Merrill Lynch, có tới 93% các nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2022 – mức cao nhất kể từ 2004 đến nay. Lạm phát có thể sẽ buộc các ngân hàng trung ương kết thúc sớm chương trình nới lỏng của mình.
Trong tháng 4 đầu năm 2021, một số nước như Nga, Ukraina đã phải tăng lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, tại phiên họp tháng 4/2021, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ và tốc độ mua vào trái phiếu 120 tỷ USD/tháng nên dòng đầu tư trái phiếu không có nhiều biến động, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ trong tháng. Tuy nhiên, phát biểu mới đây của Bộ trường Tài chính Mỹ về sự cần thiết tăng lãi suất có thể tác động mạnh mẽ tới dòng tiền tháng 5/2021.
Trái với xu hướng khu vực, dòng vốn ETF đổ vào Việt Nam ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4/2021 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD. Con số này tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng và được tính trên 10 quỹ ETF lớn.
Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7.800 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực như VFM VNDiamond với 612 tỷ đồng; VanEck Vectors Vietnam với 196 tỷ đồng; SSIAM FINLead với 180 tỷ đồng và FTSE Vietnam với 75 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, các quỹ ETF đã hút ròng tổng cộng 13.200 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng 111 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị rút không đáng kể và đã giảm mạnh so với 2 tháng trước đó nên đây cũng là tín hiệu tích cực hơn.
Các quỹ chủ động có tháng thứ 8 liên tiếp rút ròng vốn nhưng mức rút ròng tháng 4/2021 chỉ là 41 triệu USD, đã giảm 54% so với tháng trước và rất nhỏ so với lượng vốn ETF vào nên thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận một tháng có vốn vào kỷ lục (cao hơn cả vốn vào thị trường Trung Quốc).
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển trạng thái sang mua ròng 273 tỷ đồng sau 6 tháng liên tiếp bán ròng. Dù kết quả này được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận VHM nhưng khối ngoại cũng đã chuyển sang mua ròng trong các ngày giao dịch cuối tháng 4/2021.
Với tổng tài sản 8.200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO.
Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5/2021 có khả năng sẽ chậm lại, nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.
Theo: Bộ Công Thương