Sản xuất không bền vững
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), Việt Nam có diện tích rau quả khoảng hai triệu ha với tổng sản lượng hơn 25 triệu tấn một năm. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất nhiều rau quả nhất (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (17%), Duyên hải Nam Trung bộ (15%) và Tây Nguyên (10%).
Có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô lớn với tổng công suất thiết kế 800 nghìn tấn/năm và hàng nghìn cơ sở quy mô nhỏ. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2021 tăng khoảng 5 – 10% so với năm 2020, đạt khoảng 3,42 – 3,58 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về canh tác ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất rau quả. Đáng chú ý nhất là tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra phổ biến. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay trên thị trường có tới 260 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cho rau quả bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, vi khuẩn …
Thực tế cho thấy, việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, thiếu kiểm soát ở nhiều địa phương đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên địch, ô nhiễm đất, nguồn nước, hình thành các loại dịch bệnh có khả năng kháng thuốc.
Quá trình chế biến rau quả phát sinh lượng chất thải, nguyên liệu rất cao so với khối lượng nguyên liệu đưa vào sử dụng. Chẳng hạn, phế liệu sau chế biến dứa lên tới 40-50%; của xoài là từ 30% đến 50% và chuối là khoảng 20%. Nếu không được xử lý đúng cách mà xả thải bừa bãi ra môi trường, đây sẽ trở thành nguồn thức ăn cho động vật và côn trùng truyền bệnh.
Việc xây dựng nhà kính ở mọi địa hình đang phá vỡ cấu trúc của không gian xanh, làm gia tăng xói mòn đất. Nhiệt độ khu vực xung quanh nhà kính, nhà lưới cũng tăng thường xuyên và bất thường. Mưa ở những nơi có nhiều nhà kính, nhà lưới thường không xâm nhập được tự nhiên gây ngập úng cục bộ.
Hầu hết rau quả xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị thấp
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chín tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh dẫn đến kim ngạch cả năm dự kiến chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong khi con số này của năm nay chỉ là 44%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng từ 151 triệu USD năm 2021 lên 180 triệu USD; tiếp đến là Hàn Quốc 125 triệu USD, Nhật Bản 115 triệu USD và Thái Lan 189 triệu USD.
Điều đáng nói, xuất khẩu rau quả sang EU vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Hiện trong cơ cấu rau củ quả sang thị trường này, hàng tươi chiếm khoảng 70%, hàng chế biến chỉ chiếm 30%.
Theo: VietnamCredit