Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ trở nên hấp dẫn nhờ các yếu tố: Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 với ít tổn thương hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới; tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,9%, trong nhóm tốt nhất thế giới, lượng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh; xuất khẩu tăng trưởng tốt; lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tăng ngày càng trưởng tốt hơn; yếu tố lạm phát thấp, tỷ giá tiền đồng ổn định; sức mua hàng hóa khá tốt. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng – một trong những yếu tố giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các quốc gia, cũng đã và đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm.
Sau giai đoạn điều chỉnh ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nền kinh tế thế giới đang có sức bật rất mạnh. Chính phủ nhiều quốc gia công bố các gói hỗ trợ đại dịch quy mô lớn (tương đương 20% GDP) quốc gia. Nguồn tiền này tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp và sự phục hồi nền kinh tế. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng liên tục tăng điểm trong tuần qua.
Tại Mỹ, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 31/3/2021, và cả 3 chỉ số chính của phố Wall liên tục tăng, trong bối cảnh nhà đầu tư sẵn sàng cho kế hoạch đầu tư hạ tầng khổng lồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ là nhân tố chính hỗ trợ giá cổ phiếu ở Mỹ trong quý I/2021, dù có những lúc thị trường lao đao vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, và vụ cháy quỹ đầu cơ Archegos.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3/2021, S&P 500 lập kỷ lục. Dẫn dắt đà tăng của thị trường là nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi nhóm năng lượng giảm.
Chỉ số Dow Jones tăng 85,41 điểm (tăng 0,3%) lên 32.981,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, lên 3.972,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,5% lên 13.246,87 điểm, khi cổ phiếu Apple, Microsoft và Facebook đều tăng ít nhất 1,6%.
Tính chung cả quý I/2021, chỉ số Dow Jones tăng 7,8%; S&P 500 tăng 5,8%; và Nasdaq tăng 2,8%. Trong tháng 3/2021, Dow Jones tăng 6,6%; S&P 500 tăng 4,2%; và Nasdaq tăng 0,4%.
Xu thế thị trường là nhà đầu tư quay trở lại với những cổ phiếu tăng trưởng, nhóm bị bán nhiều trong mấy tuần trở lại đây. Điều này làm yếu đi xu hướng từ đầu năm là chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Dữ liệu kinh tế công bố cho thấy các công ty thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ đã tăng cường tuyển dụng trong tháng 3/2021 khi có thêm nhiều người Mỹ được tiêm phòng Covid-19. Sự cải thiện này phù hợp với những dấu hiệu khởi sắc gần đây trên thị trường việc làm ở Mỹ và được đưa ra trước bản báo cáo toàn diện về tháng 3/2021 mà Bộ Lao động nước này dự kiến sẽ công bố vào đầu tháng 4/2021
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,36 lần số mã giảm; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,79 lần. Toàn thị trường có 11,45 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 13,4 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, thị trường chứng khoán của Việt Nam luôn tăng trưởng tốt hơn các chỉ số chính của khu vực.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/3/2021, chỉ số VN-Index tăng 5,08 điểm (tăng 0,43%), lên mức 1.191,44 điểm, thanh khoản đạt 13.024 tỷ đồng. HNX-Index tăng 5,53 điểm (tăng 1,97%), lên 286,67 điểm, thanh khoản là 3.408 tỷ đồng.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn giúp chỉ số VN-Index tăng điểm: MSN (+4,52%), VHM (+1,04%), SAB (+2,86%), VIC (+0,77%), VIB (+4,31%), TCB (+0,87%), HPG (+0,75%),…
Các cổ phiếu Midcap tăng điểm gồm: STK (+6,18%), PET (+5,53%), TCM (+5,26%), STB (+4,63%), MSN (+4,52%), IJC (+4,37%),…
Trên sàn HNX, các mã cổ phiếu giúp thị trường tăng điểm gồm: SHB, IDC, BAB, DNP, PVS.
Ngày 1/4/2021, chỉ số VN-Index có thời điểm tiến sát mốc 1.215 điểm với sự hỗ trợ của các bluechip như VCB, VNM, VHM, VIC, BID và CTG.
Cùng với sự khởi sắc của thị trường chung, cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng mạnh với các mã tăng kịch trần như HBS, WSS, ART. Các cổ phiếu tăng trên 4% có SHS, SSI, AGR, HCM, FTS, MBS, BVS, VDS.
Thanh khoản thị trường bùng nổ với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 658,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 14.823 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 11.951 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ việc quản lý, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh. Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Trong khi đó, nội tại thị trường chứng khoán trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất.
Theo đó, Luật Chứng khoán 2019 và 3 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ tạo ra hành lang pháp lý chuẩn hóa, góp phần phát triển một thị trường hàng hóa chất lượng hơn, công khai, minh bạch và theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) gắn với hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021 sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định. Ngoài ra, việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một thị trường chứng khoán tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường, nâng tầm vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019; trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội và bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn.
Cùng đó, với việc Việt Nam vươn lên chiếm thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố lợi nhuận hấp dẫn, định giá tốt, giá cổ phiếu hấp dẫn, bảng cân đối kế toán tốt và các biện pháp cải tổ thị trường làm tăng khả năng thị trường sẽ có khoảng thời gian tăng điểm kéo dài… Tất cả những yếu tố trên sẽ góp phần để thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Mặc dù vậy, thị trường cũng xuất hiện nhiều yếu tố cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán, như: dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu; căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro về chính sách tác động đến nền kinh tế toàn cầu; sức cầu của thị trường đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây.
Số liệu thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trong 3 tháng đầu năm nay với giá trị đạt 11.577,93 tỷ đồng.
Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% (tỷ lệ số cổ phiếu). Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay.
Nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán là do P/E của thị trường Việt Nam đang tiệm cận 18 – 19 lần, gần mức đỉnh cao năm 2018. Một khi cung tiền có dấu hiệu chững lại, dòng tiền sẽ nhanh chóng rút ra khi định giá đã cao. Bên cạnh đó, hàng hoá tại thị trường Việt Nam chưa đa dạng, thiếu sức níu chân nhà đầu tư. Hiện tại, thiếu vắng các doanh nghiệp vốn hoá đủ lớn để nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng. Chưa có lớp doanh nghiệp mới kế cận thế hệ doanh nghiệp lớn trước như FPT, VNM… để tạo nên những rổ cổ phiếu mới, giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể rót vốn lớn. Do đó, việc thêm các sản phẩm mới sẽ tạo nên cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Theo: Bộ Công Thương