Thị trường bất động sản Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực. Từ đầu quý IV/2020, thị trường bất động sản giao dịch sôi động hơn giúp các doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho lớn, khơi thông nghẽn tắc của dòng tiền. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua nhà giảm cũng tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số dự án đã phải giảm giá bán nhưng tình trạng giao dịch diễn ra vẫn ảm đạm, khiến lượng hàng tồn kho tăng cao.
Tại Tập đoàn Nam Long, tính đến cuối tháng 9/2020, lượng hàng tồn kho tăng mạnh, đạt 5.398 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với con số ghi nhận đầu năm. Trong đó, các dự án chiếm giá trị hàng tồn kho lớn nhất là Paragon Đại Phước (1.705 tỷ đồng), dự án Akari (1.685 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông (1.090 tỷ đồng)…
Tính đến ngày 30/9/2020, hàng tồn kho của Bất động sản Phát Đạt tăng mạnh với giá trị 9.781 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho là ở 2 dự án The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3, chiếm 4.480 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý III/2020, danh mục hàng tồn kho của Phát Đạt cũng phát sinh thêm dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải với giá trị gần 1.984 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Bất động sản Đất Xanh cũng tăng mạnh, chiếm 44% tổng giá trị tài sản với giá trị tương đương 9.756 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Gem Sky World ở Long Thành (Đồng Nai) là dự án đang chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với gần 3.410 tỷ đồng, cao gấp đôi giá trị ghi nhận hồi đầu năm.
An Gia cũng là một trong những doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng mạnh. Tính đến cuối quý III/2020, công ty bất động sản này tồn kho gần 5.190 tỷ đồng, chiếm 60% tổng giá trị tài sản và gần gấp 2 lần con số hồi đầu năm. Trong đó, The Sóng – dự án condotel duy nhất của An Gia, chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với 2.142 tỷ đồng.
Năm 2020, sự mất cân đối cung – cầu đã tạo nên điểm nghẽn về giao dịch bất động sản, nên trong thời gian tới, thị trường sẽ có sự sàng lọc mạnh.
Hiện nay, thị trường bất động sản đã “ấm” dần lên, vì vậy các dự án có tính pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư có năng lực để triển khai theo cam kết, sản phẩm, dịch vụ chất lượng kết hợp với hoàn thiện cảnh quan, tiện ích sẽ được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn.
Có 3 nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sôi động trở lại trong những tháng cuối năm. (1) Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát; (2) Nhu cầu nhà ở của người dân “ấm” hơn; (3) Các ngân hàng đang dư thừa vốn, vì vậy lãi suất cho vay mua nhà đã xuống thấp đến mức kỷ lục, khoảng 7,5%/năm.
Lãi suất thấp tác động tích cực lên thị trường bất động sản
Nhiều ngân hàng đã hạ mức lãi suất cho vay mua nhà, tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Tại VPBank, ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà chung cư có giấy chủ quyền với mức lãi suất từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Tại BIDV, mức lãi suất mua nhà từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên.
Tại Vietcombank, khách hàng có nhu cầu mua nhà, xây sửa nhà, mua ôtô… có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Mức lãi suất này áp dụng cho các khoản giải ngân từ ngày 20-10 nhằm thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm.
Tại OCB, mức lãi suất cho vay mua nhà giảm xuống dưới 5%/năm. Theo đó, mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu.
Nhìn chung, so với thời điểm cuối năm 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn khoảng 1-2 điểm phần trăm và hiện đang về vùng thấp nhất 10 năm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, khi dư địa cho vay vẫn còn, lãi suất phù hợp với kỳ vọng của người dân thì cầu tín dụng sẽ được kích hoạt bất chấp ảnh hưởng Covid-19. Việc giảm lãi suất chỉ là một trong các biện pháp kích cầu thông thường. Những người có nhu cầu thật, thu nhập ổn định từ lương và nguồn tích trữ khoảng 20- 30% giá trị căn nhà rất mong được giải ngân thời điểm này. Vì vậy, tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi giảm, nguồn tiền nhàn rỗi có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản. Theo khảo sát của thị trường, đối với nhà riêng để bán, mức độ quan tâm trong quý III/2020 tăng 25% so với quý II/2020, nhà mặt phố tăng 19%.
Tại các tỉnh phía Bắc, mức độ quan tâm đất thổ cư tăng 10%, đất nền dự án tăng 15%, nhà riêng giảm 12%, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh được quan tâm nhiều nhất, lên đến 15%; tiếp theo là Quảng Ninh 9% và Hải Phòng 1%…
Các khu đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng nổi bật trong quý III là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý và 2% theo năm; huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý và 87% theo năm; huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng 9% theo quý và giảm 4% theo năm; huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý và tăng 66% theo năm; quận Dương Kinh (Hải Phòng) tăng 25% theo quý và 19% theo năm; huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tăng 12% theo quý và 61% theo năm.
Từ số liệu trên có thể thấy, mặc dù quý III là thời điểm dịch bùng phát lần hai, nhưng mức độ quan tâm đến BĐS vẫn “nóng”. Giá các sản phẩm BĐS được nhiều công ty nghiên cứu đánh giá là vẫn tiếp tục tăng, điển hình như TP. Hồ Chí Minh tăng 15-20%, Hà Nội tăng 5-7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là thời điểm vàng để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Theo: Vietnamcredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/trading-of-own-or-rented-property-and-land-use-rights_1088#L
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bất động sản 2020 tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/vietnam-industries/vietnam-real-estate-industry-report-2020-12
- Video ngành bất động sản: https://www.youtube.com/watch?v=rVE9vO_8dtc