Thị trường EU hiện chiếm khoảng 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhựa và sản phẩm nhựa của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội cho ngành nhựa cả về thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư.
Top 10 các nguồn cung ứng ngoại khối cho thị trường EU
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình 14 – 15%/năm. Các sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 thị trường trên thế giới. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, hiện các sản phẩm nhựa nội khối của EU hiện đang có ưu thế hơn so với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, tại thị trường EU các sản phẩm bao bì nhựa của Việt Nam hiện có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm bao bì nhựa từ các nước khác trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc do không bị đánh thuế chống bán phá giá từ 4 – 30%.
Nhập khẩu từ Việt Nam vào EU đứng trong Top 10 các nguồn cung ứng ngoại khi, đạt 930,6 triệu USD trong năm 2019, tăng 5,2% so với năm 2018, chiếm 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào EU. Nhựa, sản phẩm từ nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu tới các thị trường như: Úc, Pháp, Italy, Anh, Bỉ, với các sản phẩm chính gồm các mã HS: 3923, 3926, 3907.
Cơ hội từ EVFTA
Hiện nay, đa số các mặt hàng nhựa đang chịu thuế cơ bản 6,5% sẽ được giảm về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan, các nhà xuất khẩu phải bảo đảm hàng hóa đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đi với hàng hóa. Tuy nhiên, đối với nhựa và sản phẩm nhựa EVFTA quy định về tiêu chí xuất xứ khá linh hoạt. Theo đó, cho phép sử dụng tối đa 50% nguyên liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất hoặc tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4s , trong đó cho phép được sử dụng tối đa 20% nguyên liệu không xuất xứ cùng nhóm (4 s) với sản phẩm. Quy tắc xuất xứ hàng hóa linh hoạt với sản phẩm nhựa xuất khẩu sang EU tạo lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn bị động do nguyên liệu sản xuất ngành nhựa đang phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.
Theo thống kê, để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn các loại nguyên liệu như: PE, PP, PS… Khả năng trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15 – 35% nhu cầu nguyên phụ liệu.
Một vấn đề đáng quan tâm là xu hướng chuyển sang sử dụng bao bì nhựa tự hủy, thân thiện với môi trường (P.E.T) đang ngày càng phổ biến tại EU. Đây là một thách thức đối với ngành nhựa Việt Nam khi trong cơ cấu xuất khẩu của ngành, các sản phẩm bao bì truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hiện một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang sản xuất nguồn nguyên liệu P.E.T thu được hiệu quả cao và bước đầu xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó có EU. Ngoài ra, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật cũng có triển vọng tại thị trường EU nếu doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thâm nhập tốt và đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Hiệp định EVFTA còn là triển vọng thu hút các nhà đầu tư EU vào mảng nhựa xây dựng và các nhà đầu tư quốc tế ngoài EU vào ngành nhựa có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Nhựa Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-plastics-products_340#C