Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến các giao dịch không tiếp xúc tăng mạnh. Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới, gia tăng các giải pháp giao dịch trực tuyến để giữ khách hàng.
Theo báo cáo của Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa, giao dịch không tiếp xúc của Visa trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019; tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa cũng tăng hơn 600% trong cùng kỳ năm 2019. Cuối tháng 6/2020, số lượng thẻ Visa ghi nhận có ít nhất một giao dịch không tiếp xúc trong vòng ba tháng trước đó tăng gần 300% so với thời điểm cuối tháng 6/2019.
Số liệu từ Khảo sát thái độ thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây do Visa thực hiện cũng cho thấy, hiện tại có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này với tần suất ít nhất một lần một tuần.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar được thực hiện từ ngày 19/6 đến 23/6/2020 cho thấy, 68% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên thanh toán bằng thẻ hoặc qua ứng dụng di động thay vì tiền mặt, dưới tác động của dịch Covid-19.
Giữa tháng 7/2020, nền tảng thanh toán Payoo ghi nhận hơn 90% giao dịch đến từ thẻ ATM nội địa và các loại thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, JCB trong 3 tháng gần nhất. Lượng giao dịch qua mã QR (thông qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng) đồng thời có dấu hiệu tăng dần.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, những phương thức thanh toán nhanh chóng và thông minh hơn ngày càng trở nên cần thiết và công nghệ không tiếp xúc sẽ mở đường để đáp ứng nhu cầu tăng cao này của thị trường.
Đẩy mạnh giao dịch không tiền mặt
Khi lượng khách hàng đến giao dịch ngày càng giảm do tác động của dịch Covid- 19, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới, gia tăng các giải pháp giao dịch trực tuyến để giữ khách hàng.
Ngân hàng Sacombank đã hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM triển khai việc đóng học phí không dùng tiền mặt, gồm 8 kênh thanh toán và miễn phí giao dịch.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng tích cực nhất trong việc đẩy mạnh xu hướng giao dịch không tiền mặt ngay cả trước và sau khi đại dịch Covid-19, với nhiều chương trình ưu đãi như: hoàn tiền khi mua tour du lịch, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, miễn phí trả góp khi mua tour du lịch hoặc mua sắm tại các điểm doanh nghiệp liên kết khi thanh toán không tiếp xúc. Khách hàng mở mới thẻ thanh toán Sacombank Visa sẽ được hoàn tiền 10%, khách hàng đang sử dụng thẻ sẽ được hoàn tiền 1%…
Agribank cũng ra mắt ngân hàng số giúp người dùng có những trải nghiệm tốt nhất về thanh toán và quản lý tài chính, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 23/8/2020, Agribank tặng ngay 50.000 đồng nạp tiền điện thoại cho 500 khách hàng đầu tiên mỗi tuần đăng ký mới dịch vụ Agribank E-Mobile Banking và phát sinh giao dịch; tặng ngay 1 triệu đồng cho 50 khách hàng có tổng giá trị giao dịch trên ứng dụng cao nhất mỗi tuần, áp dụng cho khách hàng thực hiện các giao dịch như trên.
Với VCB Digibank, khách hàng sẽ được trải nghiệm mọi tiện ích tài chính hiện đại và nhanh chóng bao gồm: Chuyển tiền nhanh 24/7, đặt lịch chuyển tiền, tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn điện – nước – viễn thông – y tế – giáo dục – bảo hiểm, thanh toán dịch vụ hành chính công, thanh toán hóa đơn tự động, nạp tiền điện thoại, thanh toán QR Pay, đặt vé máy bay/khách sạn, mua sắm trực tuyến, yêu cầu tra soát trực tuyến…
Ngoài ra, đến hết ngày 16/8/2020, tất cả khách hàng chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank được thực hiện trên VCB Digibank cũng sẽ được miễn phí không giới hạn.
Vietinbank cũng đang thúc đẩy dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Cụ thể, ngân hàng cung cấp một loại thẻ khám bệnh vừa là thẻ bệnh viện vừa là thẻ thanh toán, giúp cho người dân chi trả ngay lập tức khi khám bệnh, tiết kiệm thời gian xếp hàng chờ thanh toán, chờ khám bệnh, giúp giảm tải và tiết kiệm nhân sự cho bệnh viện.
Nhiều ngân hàng khác như Kienlong Bank, HDBank, Eximbank… cũng đẩy mạnh hoạt động không dùng tiền mặt bằng việc giảm phí, tăng khuyến mãi để kích cầu.
Nhiều doanh nghiệp, hãng thanh toán…cũng ra mắt một loạt các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ thanh toán không tiền mặt trong bối cảnh Covid-19.
Bên cạnh khuyến mại, Starbucks Việt Nam đã lắp đặt giá đỡ xoay cho các máy đọc thẻ để khách hàng có thể tự kiểm soát giao dịch tốt hơn. Đến nay, hơn 50% giao dịch bằng thẻ Visa tại Starbucks Việt Nam được thực hiện bằng thanh toán không tiếp xúc.
Shopee cũng kết hợp với hãng thanh toán JCB công bố một thỏa thuận mang tính khu vực, bắt đầu tại các thị trường Indonesia, Thái Lan và Việt Nam từ tháng 7/2020, tiếp theo sẽ là Singapore và Philippines. Theo đó, JCB sẽ giảm giá cả năm và khuyến mại theo mùa cho người dùng Shopee, trong khi trang thương mại điện tử này quảng bá những gian hàng tham gia chương trình của JCB. Việc hợp tác này nhằm đáp ứng sự đa dạng trong thói quen và sở thích của người dùng, trong đó có thanh toán không tiền mặt, trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19.
Vinasun gần đây cũng ra mắt tiện ích thanh toán trả trước, trong đó khách hàng có thể nạp tiền từ Payoo hoặc các đối tác ngân hàng, ví điện tử, cửa hàng tiện lợi của hãng thanh toán này để trả cước taxi về sau. Đây được coi là nỗ lực mới của hãng taxi truyền thống này nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân trong mùa dịch.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Ngân hàng Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/central-banking_1038#K