Theo nhận định của giới chuyên gia, mức lợi nhuận từ 7-10% của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chưa phản ánh đầy đủ những khó khăn mà ngành đang phải đối mặt và đây cũng chưa phải là con số lợi nhuận thực cho cả năm 2020.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của hệ thống ngân hàng, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Ở khối ngân hàng niêm yết, mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay là từ 7-10%.
Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng trưởng khá thì nợ xấu 9 tháng đầu năm nay cũng tăng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Nợ xấu tăng, lợi nhuận cũng tăng, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản dư thừa.
Có 3 nguyên nhân chính (1) do trích lập dự phòng thông thường sẽ được các ngân hàng trích lập cho cả năm, sẽ tăng mạnh vào cuối quý IV; (2) Có độ trễ tác động của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng khi khó khăn của khách hàng mới chỉ bắt đầu; (3 Do các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm. Vì thế khi Thông tư 01 hết hiệu lực, các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ thì nợ xấu sẽ tăng cao hơn nữa.
Dự báo đến cuối năm nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới năm 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%. Tất nhiên, nợ xấu tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Nợ xấu tăng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ lợi nhuận đến khả năng tăng vốn điều lệ (do vốn điều lệ tăng 1 phần từ lợi nhuận giữ lại và khi lợi nhuận thấp thì dòng tiền giữ lại để tăng vốn cũng ít).
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tính toán lại thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để không tạo cú sốc cho nợ xấu tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM).
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng buộc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận tăng thấp trong 2 năm 2020, 2021 để có nguồn lực cho xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong thời gian vừa qua năng lực tài chính của các ngân hàng đã tăng lên khá nhiều nên khả năng chống đỡ với các cú sốc, năng lực để xử lý nợ xấu đã tốt hơn.
Quyết định 1058/QĐ-TTg của Chính phủ đặt mục tiêu đẩy nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào cuối năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại có thể thấy để đạt được mục tiêu này là không thể. Ước tính, năm 2020 nợ xấu nội bảng sẽ khoảng 3%, còn nợ xấu gộp (gồm cả nợ xấu các TCTD bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) đến cuối năm sẽ ở mức khoảng 4,5% và sang năm 2021 con số này sẽ tăng lên tới 5-5,5%.
Có thể nói đến thời điểm hiện tại, NHNN sẽ buộc phải thay đổi kế hoạch và quan điểm với nợ xấu ít nhất trong năm 2020 và 2021.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Ngân hàng Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/central-banking_1038#K