Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 6/2020 đạt 45 nghìn tấn, kim ngạch 270 triệu USD, tăng 5,1% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 5/2020, tăng 15,5% về lượng nhưng giảm 1,7% về kim ngạch so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lượng hạt điều xuất khẩu đạt 228 nghìn tấn, kim ngạch 1,49 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá hạt điều nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới bởi nhu cầu hạt điều thế giới dự báo vẫn tăng mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến kinh tế và tiêu dùng. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu hạt điều – mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 5/2020 đạt 42,82 nghìn tấn, kim ngạch 263,13 triệu USD, giảm 3,7% về lượng và giảm 9,6% về kim ngạch so với tháng 4/2020, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 13,3% về kim ngạch so với tháng 5/2019. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt 182,8 nghìn tấn, kim ngạch 1,23 tỷ USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 5/2020, đạt 6.145 USD/tấn, giảm 6,1% so với tháng 4/2020 và giảm 16,3% so với tháng 5/2019. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 6.721 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 5/2020, xuất khẩu hạt điều sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU đều tăng về lượng so với tháng 5/2019, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 3,6%, EU tăng 9,7% (trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tăng 57,6%). Trái lại, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc giảm 3,8%, Australia giảm 12,8% và Anh giảm 12,7%…
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hạt điều nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 36,7% trong tổng lượng hạt điều xuất khẩu, tiếp đến là EU chiếm trên 22%… Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang hai thị trường trên đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 67 nghìn tấn, kim ngạch 450,9 triệu USD, tăng 33% về lượng, tăng 15,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 40,5 nghìn tấn, kim ngạch 275,5 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 10,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc giảm 19,3% về lượng và giảm 31,1% về kim ngạch, đạt 17,5 nghìn tấn, kim ngạch 117,8 triệu USD.
Có thể thấy, 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiêu thụ nhân điều chế biến sâu ở những khu vực này bị giảm ở mảng khách sạn, nhà hàng nhưng vẫn tăng ở các siêu thị. Về tổng thể chung, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng.
Tuy vậy, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, nhu cầu hạt điều đang chững lại, tại thị trường Mỹ, EU nhiều nhà nhập khẩu đang xin chậm giao hàng. Chế biến hạt điều tại các nhà máy nhỏ đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Điều này khiến giá hạt điều xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức thấp trong tháng 6/2020. Cụ thể, các nhà máy đang chào bán hạt điều loại W320 ở mức 2,6 -2,85 USD/lb (1lb = 0,45 kg); hạt điều loại W240 có giá từ 3,1 – 3,35 USD/lb; hạt điều loại W450 có giá từ 2,4 – 2,6 USD/lb.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ hạt điều được dự báo vẫn sẽ tăng mạnh. Điều này sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu ngành điều của Việt Nam.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khuyến cáo các nhà máy khi ký hợp đồng xuất khẩu hạt điều chế biến cho các tháng tới nên cân nhắc mức giá tối thiểu 3 USD/lb đối với hạt điều loại W320. Đồng thời các nhà máy nên hạn chế lượng hàng bán ra để tận dụng khả năng tăng giá khi một phần của ngành chế biến hạt điều châu Á đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Hiện nay nguồn cung hạt điều thô từ Tây Phi không nhiều, do Chính phủ Bờ Biển Ngà tăng thu mua dự trữ, trong khi hàng chào bán trên thị trường có chất lượng thấp.
Ở châu Á, trong những tháng tới nguồn cung hạt điều nhân xuất khẩu dự báo sẽ giảm, các nhà máy chế biến hạt điều cần đàm phán thật kỹ để đảm bảo đúng chất lượng ký kết nhằm hạn chế rủi ro. Ngoài ra, cũng theo Vinacas, doanh nghiệp không nên bán hạt điều với giá rẻ mà cần phải tận dụng mọi cơ hội để chào bán cao hơn mức giá hiện tại.
Theo các chuyên gia ngành điều dự báo, giá hạt điều nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới bởi nhu cầu hạt điều thế giới dự báo vẫn tăng mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến kinh tế và tiêu dùng. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu hạt điều – mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Với những yếu tố tích cực như trên, xuất khẩu toàn ngành điều năm 2020 nhiều khả năng sẽ đạt 3,2 tỷ USD, tương đương với mức xuất khẩu của năm 2019. Ngoài xuất khẩu, thị trường tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong năm nay.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin báo cáo chi tiết và phân tích chuyên sâu về ngành kinh doanh hạt điều tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/processing-and-preserving-of-fruit-and-vegetables_177#C