Theo ước tính, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 920 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu giấy các loại ước đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 38,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Biến động thị trường giấy và bột giấy thế giới
Tại Mỹ: Nhu cầu và giá giấy thu hồi liên tục tăng
Nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ, phí bảo hiểm tăng và nguồn cung thắt chặt đã khiến giá giấy thu hồi tại thị trường nội địa Mỹ có bước tăng mới, OCC tăng 20 USD/tấn so với mức giá tháng 6/2021, đánh dấu tháng thứ 9 tăng liên tiếp.
Tháng 7/2021 giá OCC tại Mỹ đã đạt mức giá 129 USD/tấn, FOB cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
So với thời điểm này năm 2020, giá trung bình của OCC tại Mỹ đã tăng 139%, tương đương 75 USD/tấn, tăng từ mức trung bình 54 USD/tấn của tháng 7 năm 2020. Từ đầu năm 2021, giá trung bình của OCC đã tăng 56 USD/tấn từ mức trung bình 73 USD/tấn của tháng 1/2021 và tăng 20 USD/tấn so với mức giá trung bình của tháng 6/2021 là 109 USD/tấn.
Tháng 7/2021 cũng đánh dấu tháng thứ 7 tăng giá liên tiếp của SOP và các sản phẩm thay thế bột giấy, với mức tăng tổng cộng bình quân trong tháng là 25-30 USD/tấn.
Australia gia hạn áp thuế ADDs, CVDs đối với giấy photocopy nhập khẩu
Theo ủy ban Thương mại Australia, yêu cầu tiến hành điều tra hành chính về việc gia hạn thuế chống bán phá giá (ADD) đối với giấy copy nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, và thuế chống trợ cấp 7% (CVD) đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dự kiến việc công bố áp thuế đối với sản phẩm giấy photocopy nhập khẩu sẽ được thực hiện từ tháng 4/2022.
Hiện nay, giấy photocopy được nhập khẩu vào Australia rất nhiều, khiến cho Australian Paper, công ty liên kết với Nippon Paper Industries, nhà sản xuất giấy photocopy nội địa duy nhất buộc phải định giá sản phẩm theo giá giấy nhập khẩu.
Theo dữ liệu nhập khẩu của Ủy ban chống bán phá giá Australia, nếu giảm mức thuế thì với tình hình nhập khẩu giấy photocopy hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp nội địa. Ủy ban Thương mại yêu cầu các bên phải cung cấp số liệu và đệ trình trước ngày 9 tháng 8/2021.
Nhập khẩu giấy photocopy từ Phần Lan, Slovakia, Hàn Quốc và Nga vào Australia cũng phải chịu ADDs kể từ năm 2019. Tuy nhiên, mức thuế đó (dao động từ 14,4 – 16,4%), thấp hơn rất nhiều đối với Mondi của Slovakia và Hankuk Paper của Hàn Quốc và sẽ hết hiệu lực vào tháng 4 năm 2024.
Tình hình xuất- nhập khẩu ngành giấy của Việt Nam tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021
Về xuất khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam trong tháng 7/2021 ước đạt 130 triệu USD, giảm 12,0% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 4,6% so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam ước đạt 920 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 136,7 triệu USD, tăng 6,6% so với tháng 5/2021 và tăng 29,6% so với tháng 6/2020.
Tháng 6/2021, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 39,2 triệu USD và 34,2 triệu USD. Xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy sang 2 thị trường này đều tăng trong tháng 5/2021 so với tháng 6/2020, với tốc độ tăng lần lượt là 67,6% và 7,1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 185,2 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trái lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 8,5%, đạt 146,4 triệu USD.
Về nhập khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, nhập khẩu giấy các loại trong tháng 7/2021 ước đạt 190 nghìn tấn, kim ngạch 184 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 9,1% về kim ngạch so với tháng 6/2021; nhưng tăng 16,2% về lượng và tăng 35,5% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu giấy các loại ước đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 38,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu giấy các loại vào Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 199,6 triệu tấn, kim ngạch 194,8 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 9,4% về kim ngạch so với tháng 5/2021; nhưng tăng 31,6% về lượng và tăng 59,1% về kim ngạch so với tháng 6/2020.
Tháng 6/2021, Việt Nam nhập khẩu giấy các loại nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, với lượng nhập khẩu đạt 45,9 nghìn tấn, kim ngạch 54,9 triệu USD, tăng 32,2% về lượng và tăng 77,4% về kim ngạch so với tháng 6/2020.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu giấy các loại từ một số thị trường giảm trong tháng 6/2021 so với tháng 6/2020 như Nhật Bản giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về kim ngạch; Hàn Quốc giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 15,4% về kim ngạch; Singapore giảm 34% về lượng nhưng tăng 15,9% về kim ngạch…
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với lượng nhập khẩu đạt 15,4 nghìn tấn, kim ngạch 12,3 triệu USD, tăng 135,5% về lượng và tăng 157,0% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo: Bộ Công Thương