Sau khi giảm trong tháng 2/2021 do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 3/2021 đã tăng khá mạnh trở lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28 tỷ USD, tăng 16,7% so với tháng 3/2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2021 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau những tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 151,35 tỷ USD, tăng 23% (tương ứng 28,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 76,74 tỷ USD, tăng 21,1% so với quý I/2020; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 74,61 tỷ USD, tăng 25,1%. Cán cân thương mại của Việt Nam trong quý I/2021 tiếp tục thặng dư 2,14 tỷ USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung đang bước vào giai đoạn phục hồi với việc đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ.
Về xuất khẩu:
Trong tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 2,31 tỷ USD, tăng mạnh 58,3% so với tháng 2/2021 và tăng 4,8% so với tháng 3/2020; Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 24,28 tỷ USD, tăng 37% so với tháng 2/2021 và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng mạnh 70,7% so với tháng 2/2021 và tăng 9% so với tháng 3/2020, đạt 285 triệu USD. Trong nhóm hàng này, xuất khẩu dầu thô dù giảm 22,9% về lượng nhưng tăng tới 39,8% về kim ngạch so với tháng 3/2020; tương tự, xuất khẩu than đá cũng tăng 2,5 lần về lượng và 2 lần về kim ngạch. Tuy nhiên, tính chung trong cả quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản vẫn giảm mạnh 31,4% so với cùng kỳ năm 2020, với sự sụt giảm chủ yếu ở mặt hàng dầu thô và xăng dầu.
Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu trong quý I/2021, với kim ngạch đạt 66,92 tỷ USD, tăng mạnh 23,9% so với quý I/2020 và chiếm 87,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều tăng trưởng cao so với quý I/2020. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, đạt 14,08 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. Kế đến, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã vượt qua dệt may để vươn lên vị trí thứ 3 về mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tăng tới 73,9% so với quý I/2020, đạt 8,93 tỷ USD. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh so với quý I/2020 như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 20%; sắt thép các loại tăng 65,2%… Đặc biệt, xuất khẩu nhóm hàng dệt may cũng tăng trở lại dù tốc độ còn khá khiêm tốn so với các mặt hàng khác, với mức tăng 1,1%, đạt 7,18 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tăng mạnh hơn, tăng 13,5% so với quý I/2020.
Nhóm hàng nông, thủy sản cũng là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021, với mức tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 5,98 tỷ USD. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có cao su tăng 89,7% về lượng và tăng 116,6% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 40,3% về lượng và tăng 53,3% về kim ngạch. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và rau quả cũng tăng 3,3% và 6,1% so với quý I/2020, đạt 1,69 tỷ USD và 944 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều tăng 13,2% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch so với quý I/2020; cà phê giảm 17% về lượng và giảm 11,3% về kim ngạch; hạt tiêu giảm 25% về lượng và giảm 1,4% về kim ngạch. Gạo là mặt hàng giảm mạnh nhất khi giảm 30,4% về lượng và giảm 17,5% về kim ngạch so với quý I/2020.
Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,15 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng mạnh hơn, tăng tới 27,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 58,59 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
– Về nhập khẩu
Trong tháng 3/2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước) ước đạt 24,08 tỷ USD, tăng 32,5% so với tháng 2/2021 và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng 25,2% so với quý I/2020, đạt 65,64 tỷ USD và chiếm 88% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta.
Trong quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, đạt 16,49 tỷ USD, tăng 19,8% so với quý I/2020.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 28,8% so với quý I/2020, đạt 10,66 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,1%, đạt 4,86 tỷ USD; Chất dẻo nguyên liệu tăng 39,3%; Vải các loại tăng 9,2%, hóa chất tăng 29,1%…
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu than đá và dầu thô giảm lần lượt là 6,4% và 50,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,69 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 17,4%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 15% về lượng và tăng 8,8% về kim ngạch…
Theo: Bộ Công Thương