Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng 7/2020 ước đạt 20 nghìn tấn, kim ngạch 49 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và tăng 3,9% về kim ngạch so với tháng 6/2020; giảm 13% về lượng và giảm 16,3% về kim ngạch so với tháng 7/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 187 nghìn tấn, kim ngạch 405 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 20,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình thị trường hồ tiêu trong nước tháng 6/2020
Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức khảo sát các vùng trồng tiêu ở Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Qua khảo sát cho thấy, sản lượng hồ tiêu tại các tỉnh đều giảm so với năm 2019, nguyên nhân phần lớn là do các vườn tiêu hiện có tại các tỉnh trên đều già cỗi, năng suất thấp, đặc biệt, trong bối cảnh giá hồ tiêu xuống thấp thời gian qua đã khiến người dân các vùng trồng tiêu chính của cả nước giảm đầu tư cho vườn cây. Ngoài ra, những bất lợi về thời tiết, bệnh chết nhanh, chết chậm và sâu hại đã khiến tỷ lệ cây tiêu bị chết ở mức khá cao ở một số tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk…
Kết quả là, vụ hồ tiêu Việt Nam năm 2020 đã kết thúc với sản lượng ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019. Sự sụt giảm sản lượng đáng kể từ Việt Nam có thể góp phần làm giảm mạnh nguồn cung hồ tiêu toàn cầu, bất chấp việc tăng sản lượng tại Brazil và Ấn Độ. Theo Nedspice, ước tính tổng sản lượng sản xuất hồ tiêu toàn cầu năm 2020 giảm không thấp hơn 12%. Dự kiến trong niên vụ 2021, sản lượng hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giảm đáng kể.
Trước thực trạng trên, nhằm cải thiện chất lượng hồ tiêu, nhiều vùng trồng tiêu đã thay đổi phương thức canh tác như canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững hoặc có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu… nhiều vườn tiêu vẫn phát triển tốt. Với niềm tin tăng giá hồ tiêu trong dân hiện nay sẽ là động lực giúp các vườn tiêu này tiếp tục được duy trì, thậm chí khả năng tái đầu tư cao đối với những hộ có tiềm lực về tài chính…
Xuất khẩu hồ tiêu tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng 7/2020 ước đạt 20 nghìn tấn, kim ngạch 49 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và tăng 3,9% về kim ngạch so với tháng 6/2020; giảm 13% về lượng và giảm 16,3% về kim ngạch so với tháng 7/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 187 nghìn tấn, kim ngạch 405 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 20,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tháng 6/2020 đạt 20,44 nghìn tấn, kim ngạch 47,16 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng 5/2020; giảm 33,4% về lượng và giảm 37,3% về kim ngạch so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 166,8 nghìn tấn, kim ngạch 355,92 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 21,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hồ tiêu tháng 5/2020 đạt 2.306,5 USD/tấn, tăng 15% so với tháng 5/2020 nhưng vẫn giảm 5,9% so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hồ tiêu đạt 2.133,7 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 6/2020, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường có tốc độ tăng trưởng không đồng đều so với tháng 6/2019, trong đó, xuất khẩu hồ tiêu sang một số thị trường tăng như Hà Lan tăng 22,9% về lượng và tăng 14,6% về kim ngạch; Philippin tăng 115,6% về lượng và tăng 127,6% về kim ngạch; Pakistan tăng 17,1% về lượng và tăng 2,2% về kim ngạch; Hàn Quốc tăng 46,6% về lượng và tăng 36,3% về kim ngạch… Trái lại, xuất khẩu một hồ tiêu sang một số thị trường giảm như Ấn Độ giảm 24,3% về lượng và giảm 22,2% về kim ngạch; Đức giảm 52,1% về lượng và giảm 49,4% về kim ngạch; Thái Lan giảm 18,4% về lượng và giảm 12,2% về kim ngạch…
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất sang thị trường Mỹ với lượng xuất khẩu đạt 28,7 nghìn tấn, kim ngạch 71,4 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 7,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019; Tiếp đến là thị trường Ấn Độ với lượng xuất khẩu đạt 8,6 nghìn tấn, kim ngạch 18,7 triệu USD, giảm 38,7% về lượng và giảm 44,7% về kim ngạch…
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng hồ tiêu toàn cầu cũng bị gián đoạn ở nhiều thị trường.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vẫn ổn định nhưng trong quý thứ hai, đợt bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới buộc các nước và vùng lãnh thổ phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hạn chế các hoạt động thương mại và du lịch. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu để tập trung vào các sản phẩm thực phẩm thiết yếu và thực phẩm có lợi cho sức khỏe, làm giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu.
Với sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam tại một số thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ và EU dự kiến sẽ liên tục giảm.
Như vậy, nhu cầu hồ tiêu thế giới giảm, cùng với đó, sản lượng hồ tiêu trong nước giảm, sẽ khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm nay.
Thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu hồ tiêu không bị gián đoạn, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nên tập trung vào việc khôi phục xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường đã dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, cần tăng cường tiêu thụ trong nước với các sản phẩm hạt tiêu chế biến.
Nông dân trồng tiêu của Việt Nam cần liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc mở rộng diện tích trồng cây tiêu hữu cơ. Điều đó sẽ đảm bảo hồ tiêu Việt Nam có sản lượng ổn định và chất lượng cao hơn để cạnh tranh với hồ tiêu từ Brazil và Indonesia. Hai nước sản xuất hồ tiêu này dự kiến sẽ có sản lượng hồ tiêu cao trong vụ tiếp theo, gây áp lực lớn hơn đối với giá tiêu của Việt Nam.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-remaining-business-support-service-activities-n-e-c-_1229#N