Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 627 nghìn tấn, trị giá 339,05 triệu USD, giảm 34% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 5/2021 đạt bình quân 541 USD/tấn, không biến động so với tháng 4/2021 nhưng tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 5/2021 xuất khẩu gạo giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu do tháng 5/2020 các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau khi tạm ngừng xuất khẩu trong tháng trước đó để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2.6 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 543 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Bangladesh, Mozambique, Australia và Bỉ tăng mạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo giảm chủ yếu do xuất khẩu sang Philippin, Malaysia, UAE, Mozambique giảm, trong khi xuất khẩu sang Gana, Bờ Biển Ngà, Bangladesh, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh.
Tháng 5/2021, Philippin là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt 229,3 nghìn tấn, trị giá 121,1 triệu USD, giảm 38,7% về lượng và giảm 34,1% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippin đạt 944 nghìn tấn, trị giá 502 triệu USD, giảm 27,5% về lượng và giảm 16,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trong tháng 5/2021, đạt 113,7 nghìn tấn, trị giá 58,8 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 40,6% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 482,8 nghìn tấn, trị giá 252,9 triệu USD, tăng 12,5% về lượng, nhưng giảm 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo, trong các tháng tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi giá gạo ở mức cao, khiến khách hàng chuyển sang các nguồn cung rẻ hơn, đặc biệt là từ thị trường Ấn Độ. Theo nhận định của FAO, xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao kỷ lục 16,2 triệu tấn trong năm 2021, tăng tới 12% so với mức 14,5 triệu tấn trong năm 2020. Trong khi sản lượng lúa của Ấn Độ được dự báo tăng lên mức cao kỷ lục 120,3 triệu tấn trong niên vụ kết thúc vào tháng 6/2021, từ mức khoảng 118,9 triệu tấn trong niên vụ trước, theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ.
Trong khi đó, ngày 15/5/2021, Tổng thống Phi-lip-pin ký Sắc lệnh số 135 năm 2021 về việc “Tạm thời điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với gạo căn cứ theo Mục 1611 của Đạo luật số 10863, hay còn gọi là Đạo luật hiện đại hóa Hải quan và Thuế quan”. Theo đó, mức thuế Tối huệ quốc (MFN) đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch sẽ giảm lần lượt từ 40% và 50% xuống cùng mức 35% trong vòng 12 tháng kể từ ngày Sắc lệnh có hiệu lực. Sau 12 tháng, mức thuế trên sẽ được điều chỉnh về mức thuế ban đầu là 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 30/5/2021. Từ khi Luật thuế hóa mặt hàng gạo của Phi-lip-pin có hiệu lực đến nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Philippin, cả trong và ngoài hạn ngạch, đang được hưởng mức thuế 35%, thấp hơn so với mức thuế nhập khẩu từ các thị trường truyền thống khác như Pa-kít-xtan và Ấn Độ. Việc Phi-lip-pin giảm thuế nhập khẩu xuống còn 35%, mặc dù phần nào mở thêm cơ hội để Việt Nam cung cấp thêm nguồn gạo ổn định cho Philippin nhằm góp phần hỗ trợ nước này bình ổn thị trường trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên cũng sẽ khiến gạo Việt Nam mất đi ưu thế về thuế so với các nước khác, gặp cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Pakixtan.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Bangladesh và một số thị trường trong Liên minh châu Âu dự báo sẽ tăng nhờ nhu cầu tăng. Theo số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong tháng 4/2021 đạt 470 nghìn tấn, tăng mạnh 280 nghìn tấn so với 190 nghìn tấn của cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 lên mức 1,9 triệu tấn. Trong khi Bangladesh có thể tăng nhập khẩu gạo lên 2 triệu tấn trong tài khóa 2020/21 do giá trong nước vẫn tiếp tục tăng vì nguồn cung hạn hẹp. Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng nhờ Hiệp định EVFTA giúp gạo Việt Nam tại thị trường này tăng khả năng cạnh tranh.
Theo: Bộ Công Thương