6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 15,231 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành dệt may Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng lên. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trên toàn thế giới, cùng với triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đang tạo ra những động lực lớn để ngành dệt may Việt Nam có những bước đột phá trong xuất khẩu những tháng tới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 2,55 tỷ USD, tăng 4,85% so với tháng 4/2021 và tăng 38,2% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 12,098 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường tăng ở mức hai con số so với tháng 5/2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ tăng 50,0%; xuất khẩu sang khối thị trường các quốc gia tham gia CPTPP tăng 21,3%; Hàn Quốc tăng 18,4%; EU tăng 21,1%…
Nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tăng và xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang tăng nhanh là động lực tăng trưởng xuất khẩu chung cho toàn ngành hàng. 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 49,7% tổng kim ngạch.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may sang hầu hết các thị trường tăng trong 5 tháng đầu năm 2021, trong đó, xuất khẩu từ thị trường Mỹ tăng mạnh trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD đã đề ra
Dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn. Tại thị trường EU, năm 2020 giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh đã giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro; giá trị của 100 kg áo thun cotton của phụ nữ hoặc trẻ em gái sản xuất tại Bangladesh giảm 7%, xuống còn 1.329,5 euro, còn của Việt Nam không thay đổi ở mức 2.157,8 euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, áo của Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành dệt may được nhận định vẫn sẽ chịu sự tác động theo xu thế chung của toàn cầu như sự bất ổn về đơn hàng, giá giảm.
Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp dệt may trong nước cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới. Song song với đó, nỗ lực hướng sản xuất tới phát triển bền vững bằng cách sử dụng các giải pháp xanh.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Theo: Bộ Công Thương