5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xu hướng này được được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn. Ngoài ra, những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… cũng mang lại thuận lợi cho ngành chè
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 10,1 nghìn tấn, kim ngạch 16,49 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 5,7% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 7,1% về lượng và tăng 5,6% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 47 nghìn tấn, kim ngạch 75,3 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 1.629 USD/tấn, tăng 1,05% so với tháng 4/2021 nhưng giảm 1,4% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng chè đạt 1.603 USD/tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.
5 tháng đầu năm 2021, Pakixtan, Đài Loan và Nga là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 53,5% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu chè sang thị trường Pakixtan tăng 9,2% về lượng và tăng 12,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan tăng 16,4% về lượng và tăng 15,8% về kim ngạch; trái lại, xuất khẩu chè sang thị trường Nga giảm 11,4% về lượng và giảm 8,1% về kim ngạch.
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng không đồng đều so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường giảm như Nga, Indonesia, UAE, Ucraina, Ả Rập Xê út,… tuy vậy, xuất khẩu chè sang một số thị trường vẫn tăng mạnh như Trung Quốc tăng 104,8% về lượng và tăng 87,7% về kim ngạch; Ấn Độ tăng 560,5% về lượng và tăng 457,5% về kim ngạch; Ba Lan tăng 294,5% về lượng và tăng 374,9% về kim ngạch…
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhu cầu chè toàn cầu trong giai đoạn 2018-2020 đã giảm bình quân 5,5%/năm.
Trong 5 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới là EU27, Pakistan, Mỹ, Nga và Anh (chiếm 44,5% tổng trị giá nhập khẩu chè trên thế giới năm 2020), chỉ Pakixtan là thị trường có nhu cầu nhập khẩu chè tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 1,4%/năm trong giai đoạn 2018-2020. Trái lại, nhập khẩu từ thị trường EU giảm 2,6%/năm; Mỹ giảm 1,3%/năm; Nga giảm 8,9%/năm; Anh giảm 6,5%/năm.
Mặc dù nhu cầu chè toàn cầu giảm nhưng nếu tính lợi thế so sánh chè Việt Nam tại nhiều thị trường thì chè Việt Nam vẫn có nhiều ưu thế.
EU vẫn là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành chè Việt Nam, bởi nhu cầu nhập khẩu chè của EU 27 rất lớn, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. EU 27 với dân số có khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% toàn thế giới, có mức thu nhập cao.
Hiện nay, mặt hàng chè được người dân EU rất ưa chuộng do nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Khí hậu của EU không phù hợp để trồng chè, do vậy nguồn chè trên thị trường EU chủ yếu do nhập khẩu. Nguồn chè sau khi nhập khẩu sẽ được chế biến và tái xuất. Hiện nay, EU vẫn chủ yếu nhập khẩu chè đen nhưng xu hướng thị trường ngày càng nghiêng về chè xanh hơn chè đen. Tuy nhiên, EU 27 là thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu chè vào thị trường này cần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm để đáp ứng nguồn cung cho thị trường này.
Pakixtan là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 thế giới, nhu cầu tiêu thụ chè tại Pakistan lớn và đang ngày càng tăng cao chủ yếu là do thị hiếu uống chè đã tồn tại từ nhiều năm nay tại đất nước này. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020 Pakixtan tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam, với tốc độ trưởng bình quân là 18,2%/năm. Tuy nhiên so với nhu cầu nhập khẩu, trị giá nhập khẩu chè của Pakixtan từ Việt Nam còn khá khiêm tốn (tỷ trọng chè Việt Nam tại Pakixtan chỉ chiếm khoảng 3% tổng trị giá nhập khẩu), điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.
Anh tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 19,8%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu chè của Anh từ Việt Nam cũng tăng. Chè là một loại đồ uống đặc trưng của người Anh, khoảng 100 triệu tách chè được thụ hàng ngày tại Anh. Nhu cầu nhập khẩu chè của Anh ngày càng tăng, tuy nhiên lượng chè trồng không nhiều nên Anh phụ thuộc vào nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Anh.
Dự báo, xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng thời gian tới nhờ những tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn. Ngoài ra, những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… cũng mang lại thuận lợi cho ngành chè trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nhiều quốc gia sản xuất chè bị gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19 và thời tiết khô hạn, làm chuỗi cung ứng chè trên thị trường toàn cầu gián đoạn, trong đó đáng chú ý là thị trường Ấn Độ, thị trường sản xuất chè và tiêu thụ chè lớn trên thế giới, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và hạn hán tại các khu vực trồng chè chính. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi tại các thị trường sản xuất chè chính như Kenya và Sri Lanka khiến nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu vẫn chưa tăng nhiều, dẫn đến giá xuất khẩu giảm do áp lực nguồn cung tăng. Điều này cũng là yếu tố chính cản trở tốc độ.
Theo: Cafef