6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 12,3% về lượng và giảm 4,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 825 nghìn tấn, kim ngạch 1,518 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu thời gian tới khả quan khi thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực.
Sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm
Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê Robusta và 1,4 tấn/ha nhân đối với cà phê Arabica. Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững; đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Niên vụ 2020/21, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo giảm 15% do ảnh hưởng đợt mưa lũ hồi tháng 10/2020 và hạn hán hồi tháng 5, 6/2020. Niên vụ cà phê 2020/21 chỉ còn 4 tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng. Trong khi đó, mùa mưa đã bắt đầu, người dân cần tiền mặt để trang trải chi phí cho vụ mùa mới.
Dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ được hỗ trợ nhờ những thông tin tích cực. Theo Bloomberg, nguồn cung cà phê niên vụ 2021/22 được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 11,6 triệu bao do sản lượng của Brazil giảm. Trong đó, thế giới sẽ thiếu hụt 7,5 triệu bao cà phê Arabica. Bên cạnh đó, việc các thị trường tiêu thụ cà phê lớn toàn cầu nới lỏng giãn cách xã hội cũng sẽ tác động tích cực lên giá mặt hàng này.
Tuy nhiên, sự phục hồi của giá cà phê không bền vững. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tồn kho cà phê có xu hướng tăng. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, tồn kho mang sang niên vụ mới 2021/22 ước khoảng 7,23 triệu bao Robusta, do xuất khẩu cà phê của Việt Nam chậm, tình trạng thiếu container rỗng khiến cước phí vận tải biển tăng cao trong mùa dịch.
Đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, để hạn chế rủi ro vì giá cước vận tải tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao hàng tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi. Cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp, hạ hoặc cắt giảm các khoản phí tại cảng lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt Nam thời gian tới
Tại Việt Nam, theo nhận định, xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ tăng lên nhờ nhu cầu tăng và giá phục hồi.
Giá cà phê thế giới đang trên đà tăng nhờ những yếu tố như nguồn cung từ các nước sản xuất lớn giảm, trong khi đó, tồn kho cà phê khả dụng tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19, do tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao và tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Ngoài ra, thông tin thử nghiệm vaccine cũng sẽ thúc đẩy lượng xuất khẩu tăng lên.
Hiện châu Âu là thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33,8% tổng lượng và 58,9% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang được hỗ trợ bởi hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường này đã được xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0%, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 109,5 nghìn tấn, kim ngạch 207,4 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 0,48% về kim ngạch so với tháng 4/2021; giảm 7,49% về lượng nhưng tăng 3,9% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 549,9 nghìn tấn, kim ngạch 1,032 tỷ USD, giảm 20,1% về lượng và giảm 11,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê tháng 5/2021 đạt 1.893,6 USD/tấn, giảm 0,7% so với tháng 4/2021 và tăng 12,4% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê của Việt Nam đạt 1.877,9 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm ở nhiều thị trường, tuy vậy, xuất khẩu sang một số thị trường thuộc khu vực EU vẫn tăng so với tháng 5/2020 như Bỉ tăng 46,9% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch; Hà Lan tăng 26,5% về lượng và tăng 75,3% về kim ngạch; Hy Lạp tăng 58,2% về lượng và tăng 76,1% về kim ngạch. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Rumani tăng mạnh 152,3% về lượng và tăng 142,1% về kim ngạch so với tháng 5/2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga đều giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, tuy vậy, xuất khẩu sang một số thị trường khác vẫn tăng khá như Trung Quốc tăng 61,1% về lượng và tăng 52,7% về kim ngạch; Indonesia tăng 85,6% về lượng và tăng 105,7% về kim ngạch; Ucraina tăng 30,9% về lượng và tăng 30,9% về kim ngạch; New Zealand tăng 35,5% về lượng và tăng 33,6% về kim ngạch…
Theo: Bộ Công Thương