Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2020. Với tín hiệu lạc quan, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp FDI. Tạo cơ hội cho bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 290 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỉ USD (tương đương 138,3 ngàn tỉ đồng), tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trong nước rót vào các khu công nghiệp vẫn đều đặn. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được hơn 270 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 ngàn tỉ đồng (khoảng 2,3 tỉ USD).
Theo giới phân tích, đa số dòng vốn vào các khu công nghiệp và khu kinh tế là để xây dựng nhà xưởng phục vụ cho việc sản xuất, mở rộng kho lưu trữ hàng hóa.
Việt Nam đang nằm trong vùng tăng trưởng của thế giới với nền kinh tế ổn định. Chính phủ quyết tâm triển khai vốn đầu tư là cú hích rất lớn cho phát triển kinh tế. Quan hệ quốc tế vô cùng thuận lợi với các hiệp định FTA, RCF, CPTTP đã khẳng định vị thế của Việt Nam từ nước đến sau trong WTO trở thành nước đi đầu, áp đặt cuộc chơi cho thế giới mới. Xuất nhập khẩu và kết quả sản xuất rất tích cực.
Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng trong năm 2021. Sức khỏe nền kinh tế và bất động sản của Việt Nam đang nằm ở mức A đến mức A+.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với những con số đó là nhu cầu về địa điểm sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu làm việc sinh sống cho các chuyên gia… Sự tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu về các loại hình bất động sản gia tăng, điều này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thuận lợi của dòng vốn trong tương lai.
Bất động sản công nghiệp là phân khúc dẫn dắt thị trường
Trong 5 năm gần đây, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, về cả nguồn cung, giá thuê và công suất thuê. Có hai nguyên nhân khiến bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên hấp dẫn nhất khu vực châu Á.
Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đã có quyết định chuyển nhà máy, xí nghiệp sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, bất động sản công nghiệp Việt Nam còn được hưởng lợi rất nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), như UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh); hay EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu);…
Số liệu từ các công ty nghiên cứu bất động sản trong nước như Savills, JLL hay Colliers cho thấy: Công suất thuê nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp luôn đạt trên 80%, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Giá thuê bất động sản công nghiệp cũng tăng đều 3% – 5%/năm.
Cụ thể, báo cáo của JLL Việt Nam cho biết: Ở các tỉnh phía Bắc, chỉ trong 3 tháng đầu năm, giá đất công nghiệp ở khu vực này đã đạt đỉnh mới, ở mức 107 USD/m2/chu kỳ thuê (khoảng 2,46 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng ghi nhận mức tăng 5,8%.
Tại phía Nam, giá đất KCN và giá thuê cũng tiếp tục đà tăng trưởng, hiện đã đạt đỉnh mới tại 111 USD/m2/chu kỳ thuê (khoảng 2,55 triệu đồng/m2/chu kỳ), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Trong đó, Bình Dương và Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung về cả 2 loại hình đất khu công nghiệp lẫn nhà xưởng xây sẵn nhưng cũng như các địa phương khác, 2 tỉnh này không ghi nhận nguồn cung mới trong quý I/2021.
Giới chuyên gia nhận định rằng, sau khi thế giới kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới, và trở thành “tâm điểm” của các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư. Phân khúc này cũng sẽ dẫn dắt thị trường tăng trưởng.
Dù vậy, bất động sản công nghiệp Việt Nam có một hạn chế là phân bố không đều. Hạn chế này không ảnh hưởng quá nhiều ở thời điểm hiện tại, vì quỹ đất tại các địa phương trọng điểm trong phát triển công nghiệp vẫn đủ để đáp ứng cho bất động sản công nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi quỹ đất tại các địa phương dần trở nên khan hiếm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của bất động sản công nghiệp Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các chủ đầu tư nên áp dụng giải pháp khu công nghiệp, nhà máy, nhà xưởng cao tầng, vừa tiết kiệm quỹ đất, vừa tạo ra chuỗi cung ứng tại chỗ trong sản xuất.
Đơn cử như khu công nghiệp Long Hậu, Long An đã thiết kế mô hình này phù hợp với các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất phần mềm công nghiệp nhẹ, vật tư thiết bị y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Tùy loại hình sản xuất, tải trọng sản xuất, quy mô diện tích mà doanh nghiệp có thể lựa chọn vị trí ở tầng trệt hay các tầng trên.
Hoặc tại khu công nghiệp KIZUNA đã triển khai loại hình nhà xưởng có tầng tại lô đất cuối cùng trong khu nhà xưởng dịch vụ kia KIZUNA 3, nhằm cung cấp thêm diện tích nhà xưởng sản xuất cho khách khách hàng hiện hữu, cũng như khách hàng mới.
Các địa phương nên có cơ chế để thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, cách làm hay… để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ.
Cơ chế này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh thành, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Việc liên kết giữa các khu công nghiệp với nhau hết sức quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistics. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp.
Theo: Bộ Công Thương