Năm 2020, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 16,55 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam giảm trong năm 2020. Tuy vậy, ngành giày dép đang rất kỳ vọng vào năm 2021, ngành này sẽ hồi phục hoàn toàn và có những bước tăng tốc và mức phục hồi của ngành giày dép Việt Nam so với các nước khác cũng sẽ nhanh hơn bởi đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận được đơn hàng đến giữa và cuối năm sau.
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam tháng 12/2020 ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng 11/2020 và giảm 15,3% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 16,55 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam tháng 11/2020 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10/2020 nhưng giảm 10,9% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam đạt 15,05 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 11/2020, trong tổng số khoảng 50 thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam, xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, tuy vậy, xuất khẩu giày dép sang 2 thị trường này biến động không đáng kể so với tháng 11/2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 3,3%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 5%.
Nếu như xuất khẩu giày dép sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp thì xuất khẩu sang một số thị trường thuộc khu vực EU lại tăng khá trong tháng 11/2020 so với tháng 11/2019 như Slovakia tăng 11,4%; Thụy Điển tăng 16,2%; Hy Lạp tăng 90,1%; Phần Lan tăng 65,1%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu giày dép sang thị trường lớn nhất là Mỹ giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 6,5 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng giảm như Bỉ giảm 16,9%; Đức giảm 16,9%; Hà Lan giảm 10,7%; Nhật Bản giảm 12,7%; Hàn Quốc giảm 8,9%… Trái lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 15,3%, đạt 1,88 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Lucxembua tăng 162,8%, nhưng kim ngạch mới chỉ đạt gần 28 triệu USD và còn nhiều tiềm năng tăng cao trong thời gian tới.
Triển vọng xuất khẩu ngành giày dép năm 2021
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam giảm trong năm 2020. Tuy vậy, ngành giày dép đang rất kỳ vọng vào năm 2021, ngành này sẽ hồi phục hoàn toàn và có những bước tăng tốc và mức phục hồi của ngành giày dép Việt Nam so với các nước khác cũng sẽ nhanh hơn bởi đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận được đơn hàng đến giữa và cuối năm 2021.
Theo Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam, sự phục hồi của ngành giày dép phụ thuộc khá lớn vào tình hình dịch Covid-19. Đầu năm 2021, dịch bệnh trên thế giới được khống chế, ngành giày dép sẽ có cơ hội bứt phá vì chuỗi cung ứng giày dép thế giới đang được sắp xếp lại và dự tính sẽ dịch chuyển về Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Các doanh nghiệp giày dép Việt Nam có cơ hội đón được các đơn hàng lớn vì có thể hoàn thành những đơn hàng khó trong thời gian ngắn.
Điểm sáng trong ngành giày dép năm 2021 là xuất khẩu giày dép sang khu vực EU sẽ tăng đáng kể nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, nhập khẩu giày dép vào EU tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2017-2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%/năm. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi dân số tăng ở nhiều quốc gia thành viên EU khiến nhu cầu tiêu thụ giày dép tăng; nhu cầu thích trải nghiệm những sản phẩm giày dép nhập khẩu mới, lạ; chi phí sản xuất tại khu vực EU tăng lên khiến EU có xu hướng nhập khẩu giày dép các loại từ các thị trường đang phát triển có giá rẻ hơn… Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu giày dép sang thị trường EU thời gian tới.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Giày dép Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-footwear_263#C