Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 26 – 30/7/2021, chỉ số Vn-Index tăng +41,22 điểm – tương đương +3,25%, lên 1.310,05 điểm. Chỉ số duy trì đà tăng điểm tại cả 5 phiên giao dịch trong tuần với 270 mã tăng và chỉ 98 mã giảm. MSN, VIC và GVR là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index trong tuần này, đóng góp lần lượt +4,79, +2,93 và +2,92 điểm. Ở chiều ngược lại, VNM, SSB và HNG là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi – 0,85, -0,31 và -0,15 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 16.807,09 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng +658,53 tỷ đồng trên sàn HSX trong tuần cuối tháng 7/2021.
Trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index kết thúc tuần giao dịch tại mức 314,85 điểm, tăng +13,08 điểm (tăng 4,33%). Chỉ số cũng duy trì đà tăng điểm tại 5 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 153 mã tăng và 118 mã giảm. NVB, SHB và VND là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp +3,03, +2,96 và +1,99 điểm. Trong khi đó, DXS, KHG và TVC là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên Hnx-Index, lấy đi -0,40, -0,23 và -0,09 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 2.175, 63 tỷ đồng/phiên.
Tháng 7/2021, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HNX khá sôi động, giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 959 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 656 tỷ đồng. Tính chung trong tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 303 tỷ đồng. Trong đó, các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là PVI với xấp xỉ 9,5 triệu cổ phiếu, tiếp đến là PCG với KL mua hơn 6,6 triệu cổ phiếu, VND với khối lượng mua đạt 3,81 triệu cổ phiếu, BSI với KL mua hơn 2,5 triệu cổ phiếu.
Tuần đầu tháng 8/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có diễn biến khởi sắc. Tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tiến triển tốt và tiến trình triển khai tiêm vaccine ở các thành phố lớn diễn ra nhanh sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8/2021, chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp, lên mức 1.334,74 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,28% dừng tại 320,02 điểm; Chỉ số UpCOM-Index giảm nhẹ dưới tham chiếu. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn duy trì ở mức cao với con số 23.210 tỷ đồng.
Lực cầu ở nhóm bluechips có sự chững lại khiến chỉ số VN30-Index tăng 0,16%. STB (+2,9%), BVH (+2,1%), PLX (+2,1%), TPB (+1,9%) là những mã có mức tăng nổi bật trong phiên hôm nay. Ngược lại, các mã giảm cũng ghi nhận mức giảm nhẹ phản ánh lực chốt lời kỹ thuật như MSN, VRE giảm chưa quá 2%.
Dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ như DCL, DAH, PTL, ABS, STG, VOS tăng hết biên độ.
TTCK Việt Nam tăng điểm trước thông tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá lên tới 650 tỷ USD, trong đó Việt Nam có thể nhận khoảng 1,56 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và có thể khiến nhu cầu thép tăng khoảng 5 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm đầu tiên, giúp giá cổ phiếu ngành thép tăng ở HPG (+0,5%), NKG (+4,6%).
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố Việt Nam giữ vị trí thứ hai là nước cung ứng hàng dệt may toàn cầu chỉ sau Trung Quốc, giúp cổ phiếu ngành dệt may tăng ở MSH (+1,6%), STK (+2,0%). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu cao su tăng mạnh 73,6% so với cùng kỳ, giúp giá cổ phiếu ngành cao su tăng ở TRC (+1,8%), DPR (+1,2%). Khối ngoại mua ròng ở VHM (- 0,4%), STB (+2,9%), SSI (+0,5%).
Dự báo, chỉ số VN-Index sẽ duy trì đà tăng và thử thách quanh đường trung bình 50 ngày. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh, điểm tích cực là chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục chú ý vào hai nhóm cổ phiếu này trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục cải thiện cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.
Về dài hạn, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Chỉ số VN Index tăng hơn 14 lần, đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân 15,88% (bao gồm cả cổ tức tiền mặt). Giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt trung bình 1 tỷ USD/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thật sự trưởng thành với thanh khoản vượt qua cả một số thị trường lớn trong khu vực như Malaysia, Indonesia…
Về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nhận định trên dựa vào các yếu tố (1) Tỷ lệ số tài khoản đầu tư chứng khoán tính trên đầu người ở Việt Nam hiện nay mới là khoảng 3,2%. Nếu so sánh với các thị trường phát triển đi trước như: Thái Lan là 6% – 7% dân số, Đài Loan là trên 40%, Mỹ là trên 50%… thì tiềm năng thị trường vẫn còn rất rộng mở. (2) Xu hướng lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp sẽ khiến cho dòng vốn chuyển dịch qua kênh chứng khoán nhiều hơn. (3) Trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng cao ít nhất trong 10 năm tới.
Theo: Bộ Công Thương