Chia sẻ trên báo chí mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho BĐS năm 2022.
Cụ thể, trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
Trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các doanh nghiệp vẫn không dừng lại, mà vẫn vận động ngầm để khi thị trường mở cửa trở lại, họ sẽ tung “hàng” ra và nhanh chóng được khách hàng đón nhận.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, thị trường bất động sản đang có những tín hiệu tích cực. Thứ nhất là Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt, qua đó ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đồng thời ban hành một số gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng đã tự đổi mới sáng tạo, quan tâm nhiều hơn tới người lao động cũng như tạo môi trường làm việc từ xa. Thứ ba là, các doanh nghiệp đã biết gắn kết, tham gia vào chuỗi giá trị để vượt qua khó khăn.
Yếu tố cuối cùng là nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào chuyển đổi số, chú trọng các sản phẩm dịch vụ mới thông qua mua bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối tốt. Đây chính là những động lực tiếp tục giúp thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2022.
Theo vị chuyên gia này, bên cạnh nguồn vốn “đổ” vào bất động sản (nhất là tổng vốn FDI đăng ký mới đạt gần 2 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021), bất động sản trong năm 2022 tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.
Trong số đó, yếu tố quan trọng là môi trường pháp lý của bất động sản đã có những tín hiệu tích cực. Đơn cử là, trong năm 2022, Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai và tiếp theo đó là một số luật khác như Luật Bất động sản…
Đặc biệt, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000-65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Theo ông Lực, đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3-4%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.
Yếu tố khả quan nữa là, Việt Nam đã lọt vào Top đầu các quốc gia phủ sóng vaccine phòng, chống Covid-19 đồng thời cũng có những điều chỉnh chiến lược chính sách hợp lý… Vì thế, khả năng phục hồi tăng trưởng là hoàn toàn có thể.
Cũng theo một số chuyên gia trong ngành, với những địa phương khác nhau, tốc độ hồi phục của thị trường này cũng sẽ khác nhau. Trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vaccine đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế,… Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung sớm nhất nước
Theo nghiên cứu phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), kỳ vọng thị trường bất động sản, nhà ở phục hồi từ năm 2022 dựa trên 3 yếu tố: nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trong năm 2022; lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà; nguồn cung mới hồi phục ấn tượng nhờ nới lỏng pháp lý.
Về dài hạn, việc thúc đẩy đầu tư công, đặc biết phát triển cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản, sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản trong các năm tới.
Các dự án có tác động tích cực tới thị trường bất động sản đã hoặc dự kiến khởi công như: sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (khởi công đầu năm 2021); 06/11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đang được thi công và 05 dự án còn lại được kỳ vọng sẽ khởi công trong 2021.
Thêm vào đó, một số phê duyệt quy hoạch sắp tới cũng sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và giá đất. Trong đó, việc đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc, gồm: Củ Chi và Hóc Môn, cùng với thông tin chuyển các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ lên quận đã thúc đẩy giá nhà ở tại các khu vực này tăng mạnh trong nửa đầu 2021.
VNDIRECT nhận định nguồn cung căn hộ mới tại Tp.HCM sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi mạnh mẽ 60-70% vào năm 2022-2023, được hỗ trợ bởi các quy định mới tháo gỡ các nút thắt pháp lý như Nghị định 148 và Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020.
Theo: Cafef