Quý đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 7,184 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành dệt may Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng lên. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trên toàn thế giới, cùng với triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đang tạo ra những động lực lớn để ngành dệt may Việt Nam có những bước đột phá trong xuất khẩu những tháng tới.
Theo ước tính, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 3/2021 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 48,3% so với tháng 2/2021 và tăng 15,3% so với tháng 3/2020. Tính chung trong quý đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 7,184 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam trong tháng 2/2021 đạt 1,82 tỷ USD, giảm 31,6% so với tháng 01/2021 và giảm 18,8% so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 4,483 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 02/2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường đa phần giảm ở mức hai con số so với tháng 02/2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ giảm 14,1%; xuất khẩu sang khối thị trường các quốc gia tham gia CPTPP giảm 26,7%; Hàn Quốc giảm 19,4%; EU giảm 18,2%…
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may sang thị trường Mỹ, chiếm 49,1% tổng kim ngạch.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may sang hầu hết các thị trường giảm trong 2 tháng đầu năm 2021, trong đó, xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm thấp nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Triển vọng tăng trưởng ngành dệt may rất tích cực
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, hai tháng đầu năm 2021, trong khi nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp lo thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì dệt may lại khá khác biệt khi đơn hàng tương đối dồi dào. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của ngành dệt may Việt Nam, nhất là khi ngành này đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020.
Có thể thấy, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu. Năm 2021, ngành dệt may đặt kế hoạch mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2020.
Với những tín hiệu từ thị trường xuất khẩu, mục tiêu phấn đấu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có cơ sở đạt được khi dự báo các nền kinh tế lớn đều phục hồi tốt trong năm 2021. Trong đó, đối với Mỹ, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), OECD, Focus Economics đồng thuận với nhận định của Fitch Ratings khi dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 4% năm 2021; đối với khu vực châu Âu, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), triển vọng kinh tế của Khu vực đồng Euro trong năm 2021 vẫn còn bất ổn với nhiều nguy cơ tiêu cực. ADB dự báo, tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Khu vực đồng Euro là 6,0%. FocusEconomics dự báo GDP của khu vực đồng Euro sẽ tăng 5,6% trong năm 2021; đối với nền kinh tế Nhật Bản, Tổ chức FocusEconomics cũng dự báo, tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Nhật Bản là 2,7%, trong khi đó OECD thận trọng hơn khi đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản tăng 1,5% trong năm 2021; đối với Trung Quốc, ADB, Fitch Ratings và FocusEconomics cùng nhận định rằng, dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc đạt 7,7%, trong khi OECD lạc quan hơn khi đánh giá, Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021…
Tuy nhiên, ngành vẫn cần tính tới các giải pháp dài hạn, không chỉ chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát mà còn là nền tảng cho ngành phát triển vững. Theo đó, cần phải định ra được chiến lược phát triển 2021-2025. Hoạch định rõ các giải pháp về công nghệ, trong đó đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, tập trung vào tự động hóa để tạo ra nền tảng theo xu thế thay đổi nhanh của thị trường sau Covid-19. Định hướng một chương trình xanh hóa, thông qua tiết kiệm năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững cho nhà máy và người lao động. Phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, phát triển các thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng chiến lược kết nối, tạo nền tảng đưa thương hiệu dệt may Việt Nam vào chuỗi bán lẻ toàn cầu.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, bảo đảm năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề. Phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới của ngành trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với thời điểm trước đó.
Về phía các doanh nghiệp, dù các đơn hàng dệt may đã quay trở lại, song để đạt đỉnh nhu cầu như những năm trước đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp dệt may rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngoài giảm thuế, lùi thời gian nộp tiền đất cho doanh nghiệp, cần đổi mới thêm các chính sách, luật đất đai. Nhiều nhóm đầu tư rút từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam rất cần đất đai, đầu tư thêm công nghệ… cần tạo chính sách thuận lợi cho họ để tạo điều kiện xây dựng những chuỗi liên kết dệt may khép kín. Từ đó, tăng năng lực cho doanh nghiệp trong nước, tăng lượng và giá trị xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp dệt may…
Theo: Bộ Công Thương