Theo ước tính, 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam ước đạt 214 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, nhập khẩu giấy các loại đạt ước đạt 340 nghìn tấn, kim ngạch 284 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá bột giấy thế giới đồng loạt tăng thời gian tới sẽ khiến giá giấy và sản phẩm giấy cũng tăng. Trong khi đó, sau Tết, nhu cầu đối với giấy và bột giấy tại thị trường trong nước không cao, dự báo, nhập khẩu giấy và bột giấy vào Việt Nam sẽ giảm trong các tháng tới.
Tình hình xuất – nhập khẩu ngành giấy
Về xuất khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam trong tháng 2/2021 ước đạt 90 triệu USD, giảm 27,3% so với tháng 01/2021 và giảm 17,1% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam ước đạt 214 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 01/2021, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam đạt 123,7 triệu USD, tăng 11,4% so với tháng 12/2020 và tăng 36,6% so với tháng 01/2020.
Tháng 01/2021, Việt Nam xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Campuchia, chiếm 49,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 65,2% so với tháng 01/2020, Campuchia tăng 64,5%, trái lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 4,2%.
Về nhập khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, nhập khẩu giấy các loại trong tháng 02/2021 ước đạt 130 nghìn tấn, kim ngạch 111 triệu USD, giảm 38,1% về lượng và giảm 36% về kim ngạch so với tháng 01/2021; giảm 25,1% về lượng và giảm 17,9% về kim ngạch so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu giấy các loại ước đạt 340 nghìn tấn, kim ngạch 284 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu giấy các loại vào Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 209,9 triệu tấn, kim ngạch 173,4 triệu USD, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 0,3% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 59,9% về lượng và tăng 58% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Tháng 01/2021, Indonesia vừa là thị trường cung cấp lớn nhất giấy các loại cho Việt Nam, vừa là thị trường có tốc độ nhập khẩu tăng mạnh nhất, với lượng nhập khẩu đạt 46,3 nghìn tấn, kim ngạch 32,2 triệu USD, tăng 66,9% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020; tăng 194,5% về lượng và tăng 145,6% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Ngoài ra, nhập khẩu giấy các loại từ nhiều thị trường cũng tăng mạnh trong tháng 01/2021 so với tháng 01/2020 như Nga tăng 243% về lượng và tăng 227,2% về kim ngạch; Italia tăng 590,8% về lượng và tăng 164% về kim ngạch; Đức tăng 158,4% về lượng và tăng 188,4% về kim ngạch…
Nhập khẩu giấy và bột giấy vào Việt Nam sẽ giảm thời gian tới
Theo diễn biến thị trường giấy thế giới, giá bột giấy thế giới sẽ tăng đồng loạt trong tháng 3/2021. Trong đó:
Các nhà sản xuất và cung ứng bột giấy Canada đã có thông báo tăng giá bột giấy tại thị trường Trung Quốc và Bắc Mỹ trong tháng 3/2021. Cụ thể, West Fraser sẽ tăng giá thêm 100 USD/tấn bột BCTMP tại thị trường Trung Quốc, có hiệu lực với các đơn đặt hàng trong tháng 3/2021. Giá bột BCTMP gỗ mềm của West Fraser ở mức 650 USD/tấn, CIF.
Bên cạnh đó, theo chân Domtar and Resolute Forest Products, giá niêm yết bột NBSK của West Fraser tại thị trường Bắc Mỹ cũng sẽ tăng lên 1.420 USD/tấn, có hiệu lực từ ngày 01/3/2021, tăng 120 USD/tấn so với giá công bố tháng 02/2021 là 1.300 USD/tấn.
West Fraser là nhà sản xuất và cung ứng bột lớn của Canada có trụ sở chính ở Vancouver, công suất bột giấy thương phẩm đạt 1,22 triệu tấn/năm, bao gồm 570.000 tấn/năm bột NBSK và 650.000 tấn/năm bột BCTMP gỗ mềm và gỗ cứng.
Công ty Suzano, nhà sản xuất bột giấy kraft bạch đàn tẩy trắng (BEK) lớn nhất thế giới của Brazil, công bố tăng giá 100-120 USD/tấn. Giá BEK đạt mức 720 USD/tấn tại thị trường Trung Quốc.
Ở thị trường châu Âu, giá BEK của Suzano tăng 90 USD/tấn, ở mức 910 USD/tấn, áp dụng từ tháng 3/2021.
Ở thị trường Bắc Mỹ, Suzano công bố mức tăng 100 USD/tấn. Mức giá mới đạt 1.140 USD/tấn.
Chi phí sản xuất tăng cao, chi phí thuê container rỗng và chi phí vận tải cũng tăng được cho là các nguyên nhân buộc các nhà sản xuất và cung ứng đưa ra quyết định tăng giá đối với sản phẩm bột giấy…
Giá bột giấy thế giới tăng sẽ khiến giá giấy và sản phẩm giấy sẽ tăng thời gian tới. Trong khi đó, sau Tết, nhu cầu đối với giấy và bột giấy tại thị trường trong nước không cao, dự báo, nhập khẩu giấy và bột giấy vào Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Giấy Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-pulp-paper-and-paperboard_282#C