Tháng đầu năm 2021, mặc dù cả doanh số bán hàng cũng như nhập khẩu ô tô, linh kiện ô tô giảm so với tháng cuối năm 2020, tuy nhiên, so với cùng kỳ tháng 01/2020, cả doanh số bán cũng như nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô đều tăng. Theo nhận định, trong thời gian tới, nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ nguồn cung ô tô trong nước đa dạng, giảm thuế/phí và giảm giá ở nhiều mẫu ô tô.
Diễn biến thị trường ô tô trong nước tháng 01/2021
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường bán ô tô trong tháng 01/2021 đạt doanh số 26.432 xe, giảm gần 46% so với tháng 12.2020, nhưng tăng trưởng mạnh 60% so với tháng 01/2020.
Trong đó, doanh số bán xe du lịch đạt 20.398 xe giảm 45% so với tháng 12/2020; xe thương mại đạt 5.741 xe giảm 46% và doanh số bán xe chuyên dụng đạt 293 xe, giảm 13%.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 01/2020 thì tình hình bán hàng của tháng 01/2021 có sự khả quan hơn, điều này có thể là do năm 2021, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 dương lịch, trong khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 lại rơi vào tháng 01 dương lịch. Cụ thể, doanh số bán xe ô tô du lịch tăng 60%; xe thương mại tăng 116% và xe chuyên dụng tăng 31%.
Xét theo xuất xứ, doanh số bán xe lắp ráp trong nước trong tháng 01/2021 đạt
14.512 xe, giảm 51% so với tháng 12/2020 và doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.920 xe, giảm 35%. So với tháng 01/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 56% và doanh số bán xe nhập khẩu tăng 88%.
Sự sụt giảm trong doanh số bán xe trong tháng 01/2021 so với tháng cuối năm 2020 là do việc hỗ trợ phí trước bạ của Chính phủ đối với xe lắp ráp trong nước kết thúc vào ngày 31/12/2020 khiến hầu hết các hợp đồng mua xe đều đã đổ dồn vào trước thời điểm này. Ngoài ra, đầu năm là giai đoạn các đại lý dồn sức giao xe cho khách kịp đón Tết Nguyên đán, qua đó giải quyết số lượng lớn các hợp đồng đã ký trong giai đoạn cuối năm trước thay vì tập trung vào các hoạt động kích cầu nhằm đạt tăng trưởng về doanh số.
Mặc dù doanh số bán hàng của ngành ô tô Việt Nam trong tháng 01/2021 trầm lắng so với tháng trước đó nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng kể so với tháng cùng kỳ năm 2020. Với sự phục hồi nền kinh tế một cách tích cực, cùng với đó, những quyết tâm trong phòng, chống đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm sáng kinh tế trên toàn cầu thời gian qua, tạo ra động lực lớn đối với hoạt động kinh doanh ô tô trong nước. Thực tế này sẽ là tiền đề để thị trường ô tô trong nước có những bước tiến tích cực trong thời gian tới.
Tình hình nhập khẩu mặt hàng ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô tháng 01/2021
Về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 8.343 chiếc, kim ngạch 212,5 triệu USD, giảm 34,3% về lượng và giảm 31% về kim ngạch so với tháng 12/2020; tuy vậy, nhập khẩu vẫn tăng 84,7% về lượng và tăng 76,2% về kim ngạch so với tháng 01/2020.
Tháng 01/2021, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chủ yếu từ cac thị trường Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia, chiếm 86,8% tổng lượng ô tô nhập khẩu.
Nhìn chung, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường vào Việt Nam trong tháng 01/2021 tăng ở hầu hết các thị trường so với tháng 01/2020, trừ nhập khẩu từ thị trường Indonesia giảm 15,6% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với tháng 01/2020.
Nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 01/2021, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô vào Việt Nam đạt 384,78 triệu USD, giảm 27% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 16,7% so với tháng 01/2020.
Hàn Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất linh kiện, phụ tùng ô tô vào Việt Nam trong tháng 01/2021, chiếm 29,7% tổng lượng nhập khẩu, tiếp đến là các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản, chiếm tỷ trọng lần lượt là 19,1%, 15,4% và 15,1%. Trong đó, nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Hàn Quốc giảm so với tháng 01/2020, trái lại, nhập khẩu từ các thị trường còn lại đều tăng.
Đáng chú ý, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ hai thị trường Tây Ban Nha và Brazil tăng mạnh trong tháng 01/2021 so với tháng 01/2020 với tốc độ tăng lần lượt là 3.391,7% và 5.390,4%.
Ngành ô tô vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2021
Mặc dù cả doanh số bán hàng cũng như nhập khẩu ô tô, linh kiện ô tô giảm trong tháng đầu năm 2021 so với tháng cuối năm 2020, tuy nhiên, so với cùng kỳ tháng 01/2020, cả doanh số bán cũng như nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô đều tăng, điều này cho thấy ngành ô tô trong nước vẫn đang tăng trưởng.
Có thể thấy, nhu cầu ô tô trong nước chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch Covid-19 do nhu cầu đi lại giảm trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua bị dồn nén tương đối lớn cùng với tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ giúp lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng, và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021. Ngoài ra, hầu hết người mua ô tô đều có thu nhập trung bình đến cao nên sức mua sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi đại dịch.
Theo nhận định, trong thời gian tới, nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ nguồn cung ô tô trong nước đa dạng, giảm thuế/phí và giảm giá ở nhiều mẫu ô tô. Cụ thể, một số yếu tố sẽ tác động đến tình hình tiêu thụ ô tô của Việt Nam trong thời gian tới là:
+ Thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh, dự kiến ở mức 8-10%/năm trong vòng 10 năm tới. Ô tô sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1000 người vào năm 2020 và trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực.
+ Sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 – 2023, khi đó thị trường ô tô sẽ sôi động và các nhà sản xuất có thể đưa ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.
+ Dự định thuế/ phí đối với ô tô sẽ giảm dần. Sau Nghị định 57 của Chính phủ và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, rất nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng. Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe), sẽ thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ.
Tuy nhiên, khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô còn tương đối thấp vì khoản này đóng góp tới 4,4% thu ngân sách nhà nước và khó có thể cắt giảm trong thời điểm thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực sau dịch Covid-19.
Từ những cơ sở trên, năm 2021, ước tính ngành ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 16% so với năm 2020 về sản lượng tiêu thụ.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Ô Tô Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wholesale-of-motor-vehicles-and-other-motor-vehicles_641#G