Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 969 nghìn tấn, kim ngạch 1,869 tỷ USD, giảm 10,0% về lượng nhưng tăng 0,04% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 44,2% trong tổng lượng và 41,2% về tổng trị giá xuất khẩu (trung bình đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu giảm từ 15% xuống 0%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 94,5 nghìn tấn, kim ngạch 196,4 triệu USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 8,3% về kim ngạch so với tháng 8/2021; tăng 3,2% về lượng và tăng 13,9% về kim ngạch so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 969 nghìn tấn, kim ngạch 1,869 tỷ USD, giảm 10,0% về lượng nhưng tăng 0,04% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cà phê 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.928,7 USD/tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường chủ lực là EU và Mỹ đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 14,7% về lượng và giảm 4,4% về kim ngạch, đạt 427,9 nghìn tấn, kim ngạch 769,6 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 13,9% về lượng và giảm 5,1% về kim ngạch, đạt 96,5 nghìn tấn, kim ngạch 189,4 triệu USD.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy, với những tín hiệu từ sự phục hồi các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê sang thị trường EU được nhận định sẽ tích cực hơn khi nhu cầu đối với mặt hàng cà phê tại EU vẫn rất lớn.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu tiêu thụ cà phê ở EU không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch Covid-19 chỉ tác động tiêu cực lên thị trường cà phê EU trong ngắn hạn. Về dài hạn, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, do đó, ngành hàng cà phê Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường tiềm năng lớn này.
EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 44,2% tổng lượng và 41,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trung bình đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%.
Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng tăng do cung hạn chế, cầu tăng
Đầu tháng 10/2021, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng. Theo báo cáo đánh giá về thời tiết, lượng mưa không đủ kích hoạt cây cà phê Arabica ra hoa cuối vụ tại vùng trồng Braxin. Còn tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên Việt Nam lại đang có mưa nhiều, có thể làm quả cà phê Robusta chín chậm. Do đó, việc thu hoạch vụ mới dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10/2021 có khả năng bị trì hoãn do yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng tăng do cung hạn chế, cầu tăng. Theo Viện Địa lý và Thống kê Braxin (IBGE), sản lượng cà phê của nước này niên vụ 2020/2021 ước đạt 48,9 triệu bao (loại 60 kg), giảm 21,2% so với niên vụ 2019/2020.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê có thể kéo dài tới 3 năm do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/2022 giảm 11 triệu bao so với niên vụ 2019/2020, xuống còn 164,8 triệu bao. USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê toàn cầu sẽ giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao do lượng xuất khẩu của Braxin giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng.
USDA dự báo tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Braxin. Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2021/22 dự kiến giảm 7,9 triệu bao, xuống còn 32 triệu bao. Còn theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu trong niên vụ 2020/21 tăng khoảng 5% so với niên vụ 2019/2020, lên gần 83 triệu bao (loại 60 kg).
Theo: Bộ Công Thương