Thị trường lúa gạo thế giới
Cung – cầu: Trong báo cáo tháng 9/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo thế giới niên vụ 2020/21 đạt 499,58 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo đạt 500,05 triệu tấn trong tháng trước. Sản lượng toàn cầu được dự báo giảm do USDA điều chỉnh giảm dự báo sản lượng vụ mùa ở Thái Lan xuống còn 18,6 triệu tấn, từ mức 20 triệu tấn trong dự báo tháng trước. Tuy nhiên, sản lượng gạo của Thái Lan vẫn cao hơn 17,66 triệu tấn của niên vụ 2019/20; Dự báo tiêu thụ gạo của Thái Lan cũng được hạ xuống còn 11,5 triệu tấn, từ mức 11,8 triệu tấn của dự báo tháng trước đó.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng do xuất khẩu cao hơn từ Ấn Độ. USDA nâng dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ lên 12 triệu tấn, từ mức 11 triệu tấn trong dự báo tháng 8/2020; Trong khi điều chỉnh giảm xuất khẩu của Thái Lan 1 triệu tấn so với dự báo trước, xuống còn 7,5 triệu tấn cho niên vụ 2020/21.
Diễn biến giá: Tháng 9/2020, giá gạo trên thị trường châu Á sau khi tăng trong 2 tuần đầu tháng đã có xu hướng giảm vào cuối tháng do nhu cầu thị trường thấp và nguồn cung tăng do vụ hoạch mới đã bắt đầu.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 460 – 480 USD/tấn trong tuần từ 28/9 đến 4/10/2020, giảm nhẹ so với 470 – 475 USD/tấn của tuần trước đó; Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm giảm còn 376 – 382 USD/tấn, từ mức 379 – 385 USD/tấn của tuần trước; Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 475 – 495 USD/tấn của tuần trước, xuống còn 472 – 477 USD/tấn.
Còn tại Bangladesh, giá gạo nội địa tăng khi Chính phủ muốn thúc đẩy nguồn cung sau khi lũ lụt tàn phá nhiều diện tích lúa khiến sản xuất không đạt mục tiêu. Bangladesh đang đánh giá lượng gạo dự trữ trên cả nước, nếu cần thiết, gạo sẽ được nhập khẩu để giữ ổn định thị trường.
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 8/2020 đạt 605,57 nghìn tấn, trị giá 304,33 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với tháng 7/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 4,61 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ước tính, tháng 9/2020 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 420 nghìn tấn, trị giá 215 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 8/2020, giảm 12,2% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 5,03 triệu tấn, trị giá 2,47 tỷ USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Về thị trường: Trong tháng 8/2020, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính như Philippin, Trung Quốc và một số thị trường châu Phi tăng mạnh khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan bị hạn chế. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippin tăng 86,7% so với tháng 7/2020, Trung Quốc tăng 21,2%, Gana tăng 62,6%, Bờ Biển Ngà tăng 54,3%, Đông Timo tăng 86,2%…
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020, Philippin tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt 1,57 triệu tấn, trị giá 797,6 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chính khác lại tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Trung Quốc tăng 54,3%, Malaysia tăng 9%, Gana tăng 45,2%, Đông Timo tăng 68,2%, Singapore tăng 21,2%, Indonesia tăng 132,5%, Lào tăng 213,2%…
Về chủng loại:
Trong tháng 8/2020, lượng xuất khẩu của 3 chủng loại gạo chính là gạo trắng, gạo thơm và gạo nếp đều tăng mạnh so với tháng 7/2020. Trong đó, gạo trắng tăng 28,5%, gạo thơm tăng 35%, gạo nếp tăng 13,7%.
Lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2020, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu có sự gia tăng về khối lượng đối với gạo thơm (tăng 5,8%), gạo nếp (tăng 126,6%), gạo giống Nhật (tăng 5,9%), nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng (tăng 199%); trong khi lượng gạo trắng xuất khẩu giảm 14,1%, gạo đồ giảm 70,4%.
Dự báo, xuất khẩu gạo các tháng cuối năm 2020 sẽ tiếp tục chậm lại so với các tháng đầu năm do nhu cầu thị trường ở mức thấp.
Tại Philippine, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, mặc dù lượng gạo tồn kho của nước này liên tục giảm trong thời gian gần đây, nhưng nguồn cung đang được bổ sung từ vụ thu hoạch trong nước, nên nhập khẩu gạo của nước này khó có thể tăng cao trong thời gian tới. Theo Cơ quan Thống kê Philippin (PSA), tính đến đầu tháng 8/2020 tổng lượng gạo tồn kho của nước này đạt 1,786 triệu tấn, tiếp tục giảm 15,1% so với tháng 7/2020 và giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các hộ gia đình chiếm 47,7% lượng gạo dự trữ, các kho thương mại chiếm 40,9% và phần còn lại 11,4% là từ kho Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA). So với tháng trước, dự trữ gạo tồn kho trong các hộ gia đình, kho thương mại và kho NFA giảm lần lượt là 20,6%, 9,7% và 8,4%; So với cùng kỳ năm 2019, lượng gạo tồn kho trong các hộ gia đình đã tăng 7,5%, tồn kho từ các kho thương mại và kho của NFA giảm 17,1% và 55,8%.
Trong khi đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mở ra triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, số lượng đơn hàng xuất khẩu gạo đã chốt và ký kết với các thị trường thuộc EU đã có xu hướng tăng, trong đó nhiều đơn hàng được chốt với giá cao hơn so với trước thời điểm EVFTA có hiệu lực. Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Nguồn: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Bán buôn gạo tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/wholesale-of-rice-wheat-other-cereals-and-wheat-flour_682#G