F0 ồ ạt tham gia thị trường thời gian cận Tết
Anh Hoàng Hải vốn chỉ làm công việc kỹ sư xây dựng tại Hà Nội nhưng trong năm 2021 khi thấy được nhiều thông tin bất động sản ở khắp nơi đang có biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Cùng đó, chứng kiến nhiều người bạn của anh cũng giàu lên từ bất động sản, nên mấy tháng nay anh Hải cũng dồn hết tiền tiết kiệm gần 3 tỷ đồng trong 7 năm của gia đình để về vùng ven tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời.
“Nếu chỉ đi làm và tiết kiệm mà không đầu tư để có khoản tiền khác thì để tiền một chỗ rất phí, trong khi đó gia đình tôi gửi tiền ngân hàng thì lãi suất cũng chỉ 5 – 6%/năm, chưa tính lạm phát thì không khác gì chỉ là phương thức giữ tiền an toàn. Nhìn nhiều người bạn của tôi cũng đang giàu lên từ đất nên tôi cũng đi xem để tìm mua một mảnh đất. Theo tôi để ý sau Tết Nguyên đán giá đất có xu hướng nên tôi muốn mua luôn trong thời điểm này”, anh Hải chia sẻ.
Mới đây anh Hải đã mua được một mảnh đất tại Mê Linh (Hà Nội) rộng 102m2, với mức giá 32 triệu đồng/m2, tổng 3,26 tỷ đồng, trong đó số tiền thiếu anh Hải chấp nhận vay ngân hàng.
“Tôi không dám vay ngân hàng nhiều, phòng trường hợp xấu là đất chững lại thì có thể giữ được lâu và không mắc phải áp lực đòn bẩy tài chính. Bây giờ cứ mua được đất là an tâm rồi”, anh Hải kỳ vọng.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù là F0 nhưng đây không phải lần đầu chị tham gia thị trường bất động sản. Trước đó, hồi đầu năm 2021, chị cũng đã mua một mảnh đất tại Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội), sau 2 tuần sang tay lại cho người khác chênh 200 triệu đồng. Nhờ đó, lần này chị tiếp tục tham gia thị trường với tâm thế đặt nhiều kỳ vọng.
“Thực tế, thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn phức tạp nên kinh doanh cũng rất khó nên tôi dồn hết tiền để đi mua đất. Trước đó, tôi đã lãi 200 triệu đồng sau 2 tuần đầu tư rồi, bây giờ tôi mua trước sau Tết xem xét tình hình sẽ bán ngay”, người phụ nữ tự tin nói.
Sau thời gian tìm kiếm, chị Hạnh đã chốt mua một mảnh đất tại Thạch Thất (Hà Nội), diện tích 200m2, với mức giá 21 triệu đồng, tổng 4,2 tỷ đồng. Theo chị dự tính, nếu đầu năm giá đất tăng chị sẽ bán trước 1 nửa, nửa còn lại chị sẽ tiếp tục nghe ngóng nếu giá đất tiếp tục tăng mạnh sẽ bán nốt.
Cẩn trọng với rủi ro
Theo nhiều chuyên gia nhận định, nhà đầu tư F0 dựa nhiều vào cảm quan cá nhân để đoán định thị trường, nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng, không có ý định sở hữu tài sản lâu dài. Theo các chuyên gia, đây cũng là nhóm nhà đầu tư rất hồ hởi vào thị trường, nhất là trước thời điểm thị trường ấm lên.
Theo chuyên gia của Colliers Việt Nam, có những nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ chứng khoán, vàng…, rồi trở thành nhà đầu tư F0 ở lĩnh vực bất động sản. Họ vào thị trường lúc “nóng sốt” và khá nhiều người đã thắng đậm.
Giữa bối cảnh dịch bệnh, thị trường ghi nhận xu hướng chuyển dịch bất động sản từ trung tâm nội đô ra vùng ven, hoặc các địa phương lân cận – nơi có sẵn hệ thống hạ tầng đồng bộ. Điều này kéo theo không ít nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhằm tận dụng lợi thế giá “mềm”, chính sách bán hàng ưu đãi và tầm nhìn quy hoạch từ các địa phương…
Nhưng đây cũng là “cuộc chơi” đầy rủi ro với những người mang tâm thế muốn đánh nhanh, thắng nhanh, trong khi bất động sản sẽ có diễn biến khác nhau ở từng khu vực, từng thời điểm, chưa kể những tác động khó lường như đại dịch.
Thực tế, làn sóng nhà đầu tư F0 âm thầm vào thị trường bất động sản đã thể hiện rõ nét những năm qua, nhất là đầu năm 2021. Nhà đầu tư F0 thường trả kỳ thanh toán đầu tiên và cố gắng tìm cách bán bất động sản để tránh việc phải tiếp tục trả các kỳ thanh toán tiếp sau. Họ mong muốn có được khoản lợi nhuận nhỏ trong quãng thời gian ngắn và điều này thường khiến giá bất động sản tăng rất nhanh.
Cùng với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế khiến sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào bất động sản đang lớn dần, một số chuyên gia dự báo, làn sóng F0 sẽ tiếp tục khiến thị trường ấm lên vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên, trạng thái và tâm lý của nhóm đối tượng này có phần khác so với đầu năm do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thực tế, nhóm nhà đầu tư F0 cũng là tác nhân gây hiện tượng “sốt” đất đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận Thẩm định và Tư vấn (Colliers Việt Nam), việc sốt đất không loại trừ khả năng do giới đầu cơ và môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch để khai thác hiệu ứng đám đông, làm nhiễu loạn giá và tạo sóng tăng giá đất.
Theo: Cafef