Giá phân bón thế giới tăng mạnh ở nhiều chủng loại, trong đó, tăng mạnh nhất ở hai chủng loại Ure và DAP, với mức tăng lần lượt trong tháng 5/2021 là 35,3% và 47,9% so với tháng 12/2020. Giá phân bón trong nước theo đó cũng tăng ở nhiều chủng loại như DAP, NPK, Kali… Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và chi phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt, giá phân bón tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến hết năm 2021.
Thị trường phân bón thế giới và trong nước
Giá phân bón Ure thế giới tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay và đạt đỉnh trong tháng 3/2021, đạt 352,88 USD/tấn, tuy vậy, giá phân bón Ure thế giới đã hạ nhiệt và ổn định trong tháng 4 và tháng 5/2021, đạt lần lượt là 328,1 USD/tấn và 331,6 USD/tấn. Mặc dù giá phân bón thế giới đã hạ nhiệt nhưng so với thời điểm cuối năm 2020, giá phân bón Ure trong tháng 5/2021 đã tăng 35,3%.
Đối với phân bón DAP, giá mặt hàng này đã tăng liên tục kể từ tháng 5/2020 đến nay và đạt mức đỉnh trong tháng 5/2021 là 574,6 USD/tấn, tăng 47,9% so với tháng 12/2020.
Nguyên nhân khiến giá phân bón thế giới tăng trong thời gian qua là do nhu cầu tại một số quốc gia tăng đột biến trong khi nguồn cung từ các khu vực sản xuất lớn bị thiếu hụt vì thiếu nguyên liệu khí, chi phí sản xuất tăng cao và việc đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu đã đẩy cước vận chuyển gia tăng.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp cũng tăng trong nửa đầu năm 2021 so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó, phân Ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng tới 60%.
Tại thị trường trong nước: Từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo. Trung tuần tháng 6/2021, xu hướng này tiếp tục với hầu hết các dòng phân bón phục vụ vụ Hè Thu. Thị trường phân bón trong nước cũng liên thông giao thương 2 chiều với thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… nên xu hướng tăng giá chung của thế giới tác động vào thị trường nội địa rất nhanh.
Xét về tổng thể liên quan đến nguồn cung trong nước: Việt Nam hầu như chỉ chủ động được số ít mặt hàng như ure. Sản xuất lại phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, các chi phí đầu vào khác cũng đang tăng theo diễn biến chung. Mức tăng được ghi nhận ở các thương hiệu lớn, chạm mức 495.000 đồng/bao.
Các dòng sản phẩm khác như DAP, NPK, Kali… sản xuất trong nước không đáp ứng đủ buộc phải nhập khẩu. Cầu nhiều – cung hiếm càng đẩy giá bán. Dòng DAP được một số doanh nghiệp bán với giá 790.000 – 800.000 đồng/bao, có nơi cũng bán với giá
560.000 – 590.000 đồng/bao. Kali miểng, mặt hàng nóng trong vụ hè thu đang được cung ứng tại thị trường Tây Nam Bộ có giá mỗi bao từ 420.000 – 450.000 đồng và 430.000 –
440.000 đồng ở Đông Nam Bộ – Tây Nguyên. Một số mặt hàng khác như NPK 16-16-8, NPK 20-20-15 và NPK 20-20-15+TE giá cao hơn so cuối năm 2020.
Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và chi phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt, giá phân bón tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến hết năm 2021.
Tình hình xuất – nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021
Về xuất khẩu
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 6/2021 ước đạt 90 nghìn tấn, kim ngạch 61 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 160,8% về kim ngạch so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam ước đạt 667 nghìn tấn, kim ngạch 247 triệu USD, tăng 44,7% về lượng và tăng 82,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 104,2 nghìn tấn, kim ngạch 35,6 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 24,6% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 30,3% về lượng và tăng 48,4% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam đạt 576,8 nghìn tấn, kim ngạch 185,7 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 66,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại trong tháng 5/2021 đạt 342,3 USD/tấn, tăng 13,8% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại đạt 322 USD/tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.
5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu phân bón chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm 37,1% tổng lượng phân bón xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2020, với lượng xuất khẩu đạt 214,1 nghìn tấn, kim ngạch 72,7 triệu USD, tăng 63,3% về lượng và tăng 76,5% về kim ngạch.
Ngoài ra, xuất khẩu phân bón các loại sang một số thị trường khác cũng tăng đáng kể trong tháng 5/2021 so với cùng kỳ năm 2020 như xuất khẩu sang thị trường Philippin tăng 168,9% về lượng và tăng 179,6% về kim ngạch; Mozambique tăng 301,7% về lượng và tăng 135,4% về kim ngạch.
Về nhập khẩu:
Theo thống kê sơ bộ, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam trong tháng 6/2021 ước đạt 450 nghìn tấn, kim ngạch 135 triệu USD, tăng 38,5% về lượng và tăng 67,8% về kim ngạch so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam ước đạt 2,32 triệu tấn, kim ngạch 654 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 28,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 543,8 nghìn tấn, kim ngạch 160,1 triệu USD, tăng 59% về lượng và tăng 67% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 34,1% về lượng và tăng 44,1% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam đạt 1,87 triệu tấn, kim ngạch 519,38 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 21,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 294,5 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại đạt 277,6 USD/tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiếm 43,9% tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường này tăng 15,4% về lượng và tăng 30,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài Trung Quốc, nhập khẩu phân bón các loại từ một số thị trường lớn khác cũng tăng trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, nhập khẩu phân bón từ thị trường Canada tăng 121% về lượng và tăng 104% về kim ngạch; nhập khẩu từ thị trường Bêlarút tăng 24,9% về lượng và tăng 16,9% về kim ngạch… Trái lại, nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường Nga giảm 3% về lượng và giảm 2,6% về kim ngạch trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Theo: Bộ Công Thương