Hầu hết điểm du lịch trên cả nước đều rơi vào tình trạng hủy tour đồng loạt, các công ty du lịch thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng bởi làn sóng COVID-19 lần hai này.
Sau đợt sóng COVID-19 lần một, doanh nghiệp du lịch vừa mới chớm hồi phục khi mùa du lịch nội địa bắt đầu được 2 tuần đầu tháng 7 thì nay lại tiếp tục nhận đợt sóng COVID-19 lần hai với những tổn thất kéo theo chưa thể đong đếm hết.
Huỷ tour hàng loạt
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, số lượng khách hủy tour tính đến ngày 5/8 lên tới 22.302 lượt khách, thiệt hại 102 tỉ đồng. Bà Phương Hoàng dự báo nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì doanh thu sẽ sụt giảm hơn nữa.
Báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho thấy đến nay, đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, huỷ tour. Không chỉ Đà Nẵng hay các tỉnh, thành lân cận chịu tác động, hầu hết điểm du lịch trên cả nước đều rơi vào tình trạng hủy tour đồng loạt. Đơn cử, tại Hà Nội từ ngày 28/7 – 2/8, đã có 31.891 khách hủy tour nội địa.
Đơn cử, một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, nên thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) khoảng 21 tỉ đồng; Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng. Với khoảng 5.000 khách hủy tour, Hanoitourist phải gánh chịu mức tổn thất khoảng 30 tỉ đồng.
Không chỉ chịu tác động từ việc du khách hủy tour, các doanh nghiệp du lịch còn đối mặt tác động kép – chịu tổn thất mất phí đặt cọc dịch vụ với các đối tác liên doanh về hàng không, lưu trú.
“Để chuẩn bị cho các chuyến đi của du khách, đơn vị đã đặt dịch vụ với một số đối tác cung ứng. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng như dịch bùng phát đợt 1 và đợt 2, một số đối tác áp dụng quy định phạt, hủy. Nhiều đối tác bảo lưu để chuyển qua giai đoạn khác, trong khi doanh nghiệp lữ hành phải chuyển trả tiền tour cho khách hàng. Điều này đặt doanh nghiệp lữ hành vào thế khó khi phải xoay xở tài chính, nhất là những đơn vị không nhiều nguồn vốn”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing Công ty TST Tourist, thừa nhận, cũng như các doanh nghiệp du lịch, ngành hàng không cũng chịu thiệt hại nặng nề khi dịch COVID-19 tái bùng phát. Các hãng hàng không hiện nay cũng lỗ nặng nên nếu yêu cầu hoàn, trả lại tiền vé thì rất khó cho họ.
Kích cầu giai đoạn hai
Do đó, để cùng chung tay hỗ trợ nhau vượt qua, TST Tourist đề xuất các hãng hàng không mở rộng thời gian để các doanh nghiệp lữ hành được sử dụng dịch vụ hàng không đến 30/6/2021.
Bên cạnh đó, hiệp hội du lịch các tỉnh thành hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp du lịch dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại địa phương đã nhận phí cọc từ công ty lữ hành, thì không áp dụng chính sách phạt và hoàn lại số chi phí trên để công ty lữ hành hoàn lại du khách.
Cùng quan điểm, đại diện Vietravel kiến nghị: “Chính phủ hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí để tạo đầu kéo ngành du lịch hồi phục”.
Trong đó, nới lỏng các điều kiện, quy định về tài sản thế chấp, cơ cấu vay vốn, tái cấp vốn… Về công nợ giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, thu lại về phục vụ các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch.
Nhất trí cần nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu giai đoạn 2, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chương trình kích cầu du lịch trong giai đoạn tới.
Về giải pháp trước mắt, ưu tiên số 1 hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục là bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có những hành động, kế hoạch linh hoạt phù hợp. Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú và các đơn vị cung ứng du lịch cần bắt tay giải quyết tốt các vấn đề đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều tình huống bất khả kháng, đây là thời điểm các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cần có sự chung tay chia sẻ khó khăn, thiệt hại với nhau vì mục tiêu lâu dài, phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác theo đúng bản chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.
Các cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các Hiệp hội Du lịch cần tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối các liên minh kích cầu, vận động các doanh nghiệp chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến đặt cọc hủy, hoãn tour nhằm kịp thời ổn định tình hình, hỗ trợ cho doanh nghiệp; đồng thời kêu gọi các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, đơn vị cung ứng dịch vụ khác có chính sách linh hoạt, chia sẻ thiệt hại, không phạt hủy, hoãn đồng thời hoàn tiền đặt cọc cho doanh nghiệp lữ hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành thanh toán với khách du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành có chính sách linh hoạt, thuyết phục khách hàng thông cảm, dời tour hoặc đổi tour sang thời điểm hoặc điểm đến khác không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về giải pháp lâu dài, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch, đồng thời chủ động triển khai các hoạt động du lịch an toàn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế do dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch an toàn theo hình thức mới, áp dụng công nghệ số, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới, an toàn, phù hợp với tình hình.
Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ, điều kiện cho doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định các hoạt động du lịch về lâu dài như cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; cho phép áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến hết năm 2020 thay vì chỉ 03 tháng như hiện nay.
Nguồn: Enternews
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Du lịch Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/travel-agency-activities_1182#N