6 tháng đầu năm 2021, báo cáo ngành xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng 22,2% về lượng và tăng 11,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo xuất khẩu hạt điều sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong 6 tháng cuối năm nay nhờ nhu cầu mạnh từ các thị trường chủ lực như EU, Mỹ…
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 6/2021 ước đạt 60 nghìn tấn, kim ngạch 377 triệu USD, tăng 43,8% về lượng và tăng 46,1% về kim ngạch so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 274 nghìn tấn, kim ngạch 1,65 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 11,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 52,8 nghìn tấn, kim ngạch 324,5 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 13,1% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 23,6% về lượng và tăng 23,4% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 214,4 nghìn tấn, kim ngạch 1,274 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 3,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 5/2021 đạt 6.139,6 USD/tấn, giảm 0,1% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hạt điều đạt 5.946,1 USD/tấn, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hạt điều chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan, chiếm 55,6% tổng lượng xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ giảm 8,3% về lượng và giảm 25,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; trái lại, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc tăng 76,4% về lượng và tăng 94,5% về kim ngạch; Hà Lan tăng 18,4% về lượng nhưng giảm 18,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường cũng tăng trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 như Canada tăng 38,5% về lượng và tăng 23,8% về kim ngạch; Nga tăng 66,4% về lượng và tăng 40,7% về kim ngạch; Nhật Bản tăng 25,3% về lượng và tăng 17,9% về kim ngạch; UAE tăng 197,4% về lượng và tăng 235,8% về kim ngạch…
Nhiều triển vọng cho xuất khẩu hạt điều của Việt Nam nửa cuối năm 2021
Trong nửa đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng theo báo cáo xuất khẩu hạt điều tiếp tục là điểm sáng của ngành nông sản Việt Nam khi xuất khẩu tăng cả về lượng và trị giá.
Theo nhận định, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2021 dựa trên những cơ sở:
+ Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính có xu hướng tăng. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ nhân điều lớn nhất của Việt Nam, tại đây, lượng tiêu thụ hạt điều giảm ở các nhà hàng, khách sạn nhưng lại tăng mạnh ở kênh siêu thị.
Tại EU: Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt được thỏa thuận về việc cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu, nay được gọi là chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU (EUDCC). Đây là công cụ được kỳ vọng sẽ giúp người dân EU sớm khôi phục cuộc sống bình thường sau dịch Covid-19. Theo thống kê mới nhất của báo New York Times, cứ 100 người dân châu Âu có 43 người đã tiêm vắc xin Covid-19. Với nhiều tín hiệu tích cực từ việc tiêm vắc xin, Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán nền kinh tế khối này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021.
Với chiến dịch tiêm chủng rộng khắp sẽ tạo niềm tin cho người dân khu vực EU vào việc phòng tránh được dịch bệnh, điều này sẽ kích thích sản xuất và tiêu dùng của người dân EU tăng lên. Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã có hiệu lực và bước vào năm thứ hai của Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu hạt điều, một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sẵn sàng tâm thế để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, ngay sau khi đại dịch Covid- 19 được kiểm soát.
Trong quý I/2021, EU nhập khẩu hạt điều đạt 50,3 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam và Hà Lan là 2 nguồn cung hạt điều chính vào EU, chiếm 69,9% tổng lượng hạt điều nhập khẩu của EU. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 14,5%, trái lại, nhập khẩu từ Hà Lan giảm 6,8%.
Tại Mỹ: Những dự báo tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Mỹ tiếp tục được các tổ chức lớn trên thế giới đưa ra, trong đó, Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 8,5% trong quý II/2021, tăng mạnh so với mức dự báo 5,2% đưa ra vào tháng 3/2021. Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó…
Đáng chú ý, theo dữ liệu được Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố mới đây, tổng tài sản của các hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 136,9 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2021. Đây được xem là một chỉ báo về sự “bung nén” nhu cầu tiêu dùng khi đại dịch Covid-19 xuống thang và nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Nếu so với thời điểm cuối quý IV/2020, tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ vào cuối quý I/2021 tăng thêm 5 nghìn tỷ USD.
Số dư tiền mặt, tài khoản séc và tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ tăng 850 tỷ USD trong quý I/2021, đạt kỷ lục 14,5 nghìn tỷ USD. Sự gia tăng này có được một phần quan trọng nhờ các gói kích cầu khổng lồ liên tiếp của Chính phủ Mỹ.
Nhu cầu của người dân Mỹ được dự báo sẽ tăng mạnh khi số ca nhiễm mới Covid- 19 tiếp tục giảm mạnh, người dân được tiêm phòng đầy đủ và bắt đầu nối lại các hoạt động vui chơi giải trí, các tiểu bang dỡ dần các hạn chế chống dịch. Đây cũng là cơ sở để tiêu dùng hàng hóa của người dân Mỹ tăng lên, trong đó có mặt hàng hạt điều.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt điều vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 45,9 nghìn tấn, trị giá 291,3 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 15,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều lớn nhất vào Mỹ, chiếm 87,5% về lượng và chiếm 86,5% về trị giá, tăng so với tỷ trọng 86,2% về lượng và 86,4% về trị giá của 5 tháng đầu năm 2020.
+ Nguồn cung điều nguyên liệu trong nước sẽ không thiếu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, tổng nguồn cung điều thô năm 2020 của Việt Nam đạt khoảng gần 4 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch, Ấn Độ ngừng trệ sản xuất dẫn đến lượng điều nhập khẩu giảm. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng khởi động sản xuất vụ điều mới chậm, nhiều cơ sở sản xuất tạm đóng cửa.., do vậy, năm nay sẽ không thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Theo: Bộ Công Thương