Hiện lãi suất huy động đang ở mức thấp, do đó kênh đầu tư chứng khoán đang thu hút một lượng tiền lớn đầu tư. Mặc dù có những phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên triển vọng thị trường chứng khoán được dự báo sẽ rất tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp bước vào thời gian sôi động khi mùa đại hội đồng cổ đông sắp đến gần. Đây là một trong những động lực chính của thị trường sau mùa báo cáo tài chính, là cơ sở giúp các nhà đầu tư định hình và xem xét tính khả thi của doanh nghiệp trước khi quyết định giao dịch.
TTCK Việt Nam trải qua những phiên điều chỉnh
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phiên biến động mạnh, có những phiên biên độ tăng/giảm lên tới khoảng 30 điểm, hoặc chỉ số VN-Index đang có phiên tăng nhẹ đều đều đi ngang, nhưng có một phiên bất ngờ đảo chiều giảm mạnh (phiên giao dịch ngày 24/2/2021 giảm hơn 15 điểm), sau đó thị trường tiếp tục trở lại đi ngang.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn ra tình trạng nghẽn lệnh trên sàn Giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh, do đó chỉ số VN-Index gần như đi ngang. Tuy nhiên, trên sàn Hà Nội, HNX-Index lại có sự bứt phá tăng gần 3%. Khối ngoại lại tiếp tục bán ròng gần 500 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng trên sàn HoSE đến 470 tỷ đồng. Thanh khoản duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 819 triệu cổ phiếu, trị giá 18.105 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.769 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch ngày 4/3/2021, chỉ số VN-Index giảm gần 27 điểm (giảm 2,23%), xuống 1.160,43 điểm; HNX-Index giảm 0,48%, xuống 252,87 điểm; UPCoM-
Index giảm 0,7%, xuống 77,55 điểm.
Với diễn biến kém sắc của thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm ngoại trừ một số cổ phiếu ngược dòng nhóm dầu khí (BSR, OIL, PVP, PVT), phân bón (SFG, DPM, LAS, DCM), thép (TLH, POM).
Dòng tiền chưa thực sự mạnh vì một phần có những nhà đầu tư vẫn chưa trở lại giao dịch sau Tết. Ngoài ra, những nhà đầu tư đã mua vào những mã cổ phiếu ở mức giá khá cao, trước tình trạng đi ngang hiện nay, nhà đầu tư sẽ giữ tâm thế chờ đợi và quan sát.
Triển vọng TTCK Việt Nam sẽ khả quan khi mùa đại hội cổ đông đang đến gần
Các ngân hàng vẫn luôn là những cái tên đầu tiên tổ chức sớm kỳ họp quan trọng này. Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) đã thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/2/2021, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự là 29/1/2021.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cũng đã thông báo ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/3/2021. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 7/1/2021.
Ngày 5/3/2021, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/4/2021.
Bên cạnh các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã có thông báo về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN). Theo đó, Tập đoàn này chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 1/3 và dự kiến đại hội sẽ diễn ra trong tháng 4/2021.
Công ty TCP Cao su Phước Hoà cũng đã công bố thời gian tổ chức đại hội là ngày 11/3, Công ty Chứng khoán Everest ngày 3/3/2021. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngày 9/3/2021 là ngày đăng ký cuối cùng và diễn ra đại hội dự kiến là 10/4/2021.
Trước đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến mùa ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra muộn hơn so với thường lệ, thay vì tháng 3, 4 các doanh nghiệp đã phải lùi thời hạn đến cuối tháng 6 và phần lớn là tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác hơn nhờ tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát nên nhiều đơn vị sẽ tổ chức theo hình thức offline.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang đón nhận dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu như là một kênh mang lại hiệu quả cao khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm duy trì ở mức thấp. Khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục cơ cấu danh mục tập trung các cổ phiếu có cơ bản tốt, lợi nhuận quý IV/2021 tích cực và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách và môi trường kinh doanh trong năm 2021. Trong đó, nhóm cổ phiếu chú ý quan sát, có khả năng dẫn dắt thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, cổ phiếu doanh nghiệp ngành bán lẻ và ngành Dầu khí.
Thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thông tin khả quan khi các nhà đầu tư quay trở lại thị trường nhiều hơn khi xuất hiện nhiều thông tin tích cực, dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm vẫn khá tốt, tiếp tục tạo nên điểm tích cực trên bức tranh vĩ mô. Hiện mức lãi suất vay margin từ các công ty chứng khoán vẫn được cho là dòng tiền rẻ thúc đẩy nhà đầu tư giao dịch kí quĩ.
Yếu tố được cho là góp phần thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng nhanh là việc MSCI tăng tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục cũng sẽ tác động tích cực đến một số cổ phiếu trên thị trường.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Chứng khoán Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/security-and-commodity-contracts-brokerage_1072#K