Sau khi chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 trong quý II/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý III/2020 đã cho thấy sự phục hồi khá tích cực. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý III/2020 đạt 148,61 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 35% so với quý II/2020 và tăng 11,1% so với quý III/2019, ước đạt 80,07 tỷ USD (trung bình 26,69 tỷ USD/tháng); Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhưng chậm hơn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 68,54 tỷ USD. Việc nhiều nền kinh tế lớn dỡ bỏ các hạn chế đi lại, đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh bình thường mới đã tác động tích cực đến thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong khu vực Châu Á trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Trung Quốc giảm 2,3% trong 8 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc giảm 10,6% trong 8 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản giảm 14,8%, Singapore giảm 7,5%, riêng Ấn Độ giảm 19,32% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8/2020.
Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do tác động của dịch Covid-19 song hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 388,73 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng 4,2% lên mức 202,86 tỷ USD. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, ước đạt 185,87 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm đã đưa cán cân thương mại của việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 lên mức cao kỷ lục 17 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 7,27 tỷ USD xuất siêu của cùng kỳ năm 2019.
– Về xuất khẩu:
Trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng lần lượt là 0,9% và 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng rất cao so với quý III/2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 62,9%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 28,5%, phương tiện vận tải phụ tùng tăng 31,3%, sắt thép các loại tăng 67,5%, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 49,4%… Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn gặp khó khăn và sụt giảm do nhu cầu yếu trước tác động của dịch Covid-19 như: Điện thoại các loại giảm 3,9% so với quý III/2019, hàng dệt may giảm 6,5%, giày dép các loại giảm 12,6%, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 22,7%…
Đối với nhóm hàng nông, thủy sản, trong nhóm này kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng thủy sản và cao su cho thấy sự tăng trưởng trở lại với kim ngạch đạt lần lượt là 2,42 tỷ USD và 816 triệu USD, tăng 4,3% và 21% so với cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, các mặt hàng khác đều có kim ngạch xuất khẩu giảm so với quý III/2019 như: Rau quả giảm 4,5%, hạt điều giảm 10,4%, cà phê giảm 6,7%, hạt tiêu giảm 6,3%….
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm khá mạnh 17,4% so với cùng kỳ năm 2019. Sự sụt giảm này đến từ xăng dầu và than đá, với mức giảm 50% và 62,5% so với quý III/2019.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục là nhóm hàng có đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu cũng như tăng trưởng chung. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với 171,66 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là do đà tăng trưởng cao của 3 mặt hàng là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 32,22 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2019; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,19 tỷ USD, tăng 39,8%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,4%. Tổng cộng 3 nhóm hàng này đã đóng góp 13,46 tỷ USD kim ngạch gia tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2020. Mức tăng trưởng cao của 3 nhóm hàng kể trên đã bù đắp sự sụt giảm của các ngành hàng khác như: Điện thoại các loại giảm 5,5%, hàng dệt may giảm 10,3%, giày dép các loại giảm 8,8%, xơ, sợi dệt các loại giảm 16,7%…
Xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Thủy sản giảm 3%; rau quả giảm 11%%; cà phê giảm 1%, hạt tiêu giảm 17,6%; một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về trị giá là chè, cao su, hạt điều. Riêng mặt hàng gạo có khối lượng xuất khẩu giảm nhẹ 0,6% nhưng kim ngạch lại tăng 12%.
Giảm mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm 2020 là các mặt hàng trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 30,5%, xăng dầu các loại giảm 52,8%, dầu thô giảm 8,6% về kim ngạch dù khối lượng xuất khẩu tăng tới 40,9%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, khối doanh nghiệp trong nước tạo động lực chính cho hoạt động xuất khẩu, với mức tăng trưởng khá cao 20,2% (đạt 71,83 tỷ USD) đóng góp 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (9 tháng năm 2019 là 30,7%), bù đắp cho sự sụt giảm của khối doanh nghiệp FDI (giảm 3,2%). Chỉ tính riêng trong quý III/2020, xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước đã tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2019 so với mức tăng chỉ 2,3% của khối doanh nghiệp FDI. Sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp trong nước giúp Việt Nam duy trì được sự ổn định của hoạt động ngoại thương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trong khi nhóm hàng nông, thủy sản lại giảm, điều này cho thấy khối doanh nghiệp trong nước đang tham gia nhiều hơn vào nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Dự báo: Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV/2020. Trong đó, xuất khẩu có nhiều thuận lợi khi dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, trong khi trên thế giới các nền kinh tế lớn đang triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế bất chấp dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã tạo động lực cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU; đồng thời việc nhiều thị trường lớn trên thế giới sắp bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm là dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch cũng mở ra kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2020.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý IV/2020 đạt 79,5 – 78 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 lên mức 277,5 – 280,12 tỷ USD, tăng 5% – 6% so với năm 2019 (cao hơn dự báo tăng 2% – 3% trước đó). Trong đó, tăng trưởng sẽ tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi nhiều mặt hàng khác vẫn cần thời gian để phục hồi sau tác động của dịch Covid-19.
– Về nhập khẩu
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008/09. Sự sụt giảm nhập khẩu được ghi nhận ở khối doanh nghiệp FDI với mức giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại tăng 4,7%.
Về hàng hóa nhập khẩu, chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 là nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, đạt 164,43 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019; điện thoại các loại và linh kiện giảm 0,6%; vải các loại giảm 13,4%; nguyên phụ liệu dệt may da giày giảm 13,3%; sắt thép các loại giảm 15,5%; chất dẻo nguyên liệu giảm 11,2%…
Tích cực hơn, kim ngạch nhập khẩu máy tính và sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ năm 2019, sản phẩm từ chất dẻo tăng 8%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 3,3%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chiếm 6,1% tổng kim ngạch nhập khẩu với 11,4 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2019. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm trong nhóm này có thể kể tới như: Rau quả giảm 32,3%, linh kiện phụ tùng ô tô giảm 13,6%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 42% về lượng và 44,2% về kim ngạch…
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Xuất khẩu Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-remaining-business-support-service-activities-n-e-c-_1229#N