Theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 80,3% so với tháng 5/2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,08 tỷ USD, tăng 95,8% so với tháng 5/2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 100% so với tháng 4/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,06 tỷ USD, tăng 144,3% so với tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,02 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặt hàng xuất khẩu
Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các chủng loại đồ nội thất đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu dăm gỗ chỉ tăng 6,6%.
Ghế khung gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 121% so với 4 tháng đầu năm 2020, lên 1,29 tỷ USD. Trong đó, 80,1% kim ngạch xuất khẩu ghế khung gỗ là xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các thị trường lớn tiếp theo gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức… Đồ nội thất phòng khách, phòng ăn là chủng loại sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 1,25 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ, nhà bếp và văn phòng đều có mức tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường xuất khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ và EU tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang các thị trường châu Á có mức tăng thấp hơn.
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất và đạt mức tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam, đạt 3,12 tỷ USD, tăng 95,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Anh, Canada và Australia… cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ. Bên cạnh đó, những nỗ lực của các doanh nghiệp, của các hiệp hội ngành hàng và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc khắc phục, thích nghi với những biến đổi mới của thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong việc duy trì khai thác thị trường là những yếu tố làm nên thành công của ngành gỗ.
Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA)… sẽ là yếu tố hỗ trợ ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khai thác tốt hơn nữa thị trường. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đối mặt với những rủi ro như: Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp có khả năng ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế tại một số thị trường; Giá cước vận tải và giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ; các nước có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, Hàn Quốc, Canada. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng tăng trưởng cao, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng nhằm nắm bắt hiệu quả những cơ hội trong tình hình mới.
Theo: Bộ Công Thương