Theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 43,3% so với tháng 3/2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ tháng 3/2021 ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 61,5% so với tháng 3/2020. Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2021 đạt 918,83 triệu USD, tăng 18,7% so với tháng 2/2020. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,27 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tháng 2/2021 đạt 688,88 triệu USD, tăng 23,1% so với tháng 2/2020; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,76 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm 60,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và cũng là thị trường có mức tăng trưởng kim ngạch lớn nhất so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tháng 2/2021 đạt 547,06 triệu USD, tăng 45,1% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 1,37 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. Tháng 2/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc đạt 116,25 triệu USD, tăng 40,1% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc đạt 225,06 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm so với tháng 2/2020, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 2 thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.
EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam trong tháng 2/2021, đạt 48,85 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đạt 115,8 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý 1/2021 tăng trưởng khả quan và nhiều khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong cả năm 2021.
Mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 đạt 14 tỷ USD là hoàn toàn khả thi, bởi lượng đơn hàng rất dồi dào. Nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã ký kết hợp đồng đến hết năm 2021.
Với đà tăng trưởng mạnh, ngành gỗ của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Những yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ bứt tốc như:
Kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực nhờ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, đặc biệt là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid – 19 đang được tăng tốc ở nhiều quốc gia.
Nhu cầu lớn trên thị trường toàn cầu, theo nguồn Fior Markets, thị trường đồ nội thất gỗ trên toàn cầu dự báo tăng từ 214,18 tỷ USD trong năm 2020 lên mức 309,99 tỷ USD trong năm 2028, tăng trưởng với tốc độ bình quân là 4,73% trong giai đoạn năm 2021 – 2028. Sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng trên toàn cầu đã kéo theo sự tăng trưởng của lĩnh vực nhà ở. Với thu nhập khả dụng ngày càng tăng, người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn các thiết kế nội thất. Đồ nội thất bằng gỗ mang lại vẻ thẩm mỹ cho toàn bộ không gian, vì vậy đồ nội thất bằng gỗ được đa số người tiêu dùng ưa chuộng. Sự phát triển của các sản phẩm nội thất dễ dàng lắp ráp đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, việc đầu tư ngày càng nhiều vào việc cải tạo và tu sửa đồ nội thất, đặc biệt là trong các không gian thương mại, đang tác động tích cực đến thị trường đồ nội thất gỗ.
Ngành gỗ cũng thu hút đông đảo doanh nghiệp FDI với những công xưởng lớn, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, thu hút nhân lực trình độ cao.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang mang lại tăng trưởng cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Với các quy chế liên quan đến gỗ nguyên liệu, Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu hợp chuẩn EU từ quốc gia thứ ba để chế tác thành đồ gỗ khi xuất khẩu sang EU không bị tầm soát về nguồn gốc, được hưởng ưu đãi từ EVFTA và đảm bảo về xuất xứ.
Theo: Bộ Công Thương