Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân cao su trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.684 USD/tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng tích cực khi giá xuất khẩu tăng do cầu vượt cung. Ngoài ra, giá dầu mỏ hồi phục mạnh cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với giá cao su thiên nhiên…
Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 5/2021 ước đạt 80 nghìn tấn, kim ngạch 139 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 26,1% về kim ngạch so với tháng 4/2021; tăng 7,2% về lượng và tăng 54,9% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 548 nghìn tấn, kim ngạch 923 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 468,2 nghìn tấn, kim ngạch 784,4 triệu USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 103,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 4/2021, xuất khẩu cao su giảm 44,6% về lượng và giảm 43,8% về kim ngạch so với tháng 3/2021 nhưng vẫn tăng 48,5% về lượng và tăng 107,8% về kim ngạch so với tháng 4/2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng cao su trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1.675,3 USD/tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng cao su sang thị trường Trung Quốc, chiếm 69,1% tồng lượng. Đáng chú ý, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021 với lượng xuất khẩu đạt 323,6 nghìn tấn, kim ngạch 518,8 triệu USD, tăng 89,6% về lượng và tăng 119,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, xuất khẩu mặt hàng cao su sang nhiều thị trường tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang một số thị trường tăng trưởng ở mức 3 con số như Sri Lanka, Pakixtan, Nga, Canada, Phần Lan.
Triển vọng xuất khẩu cao su rất tích cực
Thị trường cao su đang cho thấy những tín hiệu tích cực về nhu cầu cũng như về giá cao su.
Về giá, giá cao su thiên nhiên có xu hướng tăng và hãng sản xuất cao su hàng đầu thế giới dự báo giá mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng vì thị trường sẽ không còn dư thừa do nhu cầu hồi phục mạnh trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng bởi thiếu nhân lực cạo mủ và bệnh nấm ở cây cao su.
Giá hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka – tham chiếu cho thị trường cao su Châu Á – kết thúc phiên cuối tuần (21/5) tăng 1,6% so với phiên liền trước, lên 251,3 JPY (2,3 USD)/kg; tính chung cả tuần giá tăng 3,8%. Trên sàn Thượng Hải, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9 – được giao dịch nhiều nhất – cũng tăng 470 CNY lên 13.675 CNY (2.125 USD)/tấn; trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn giao tháng 6 tăng 1,5% lên 167 US cent/kg.
Trong nước, giá cao su cũng tăng đột biến dù bắt đầu vào vụ khai thác mủ. Theo đó, giá mủ khô hiện đạt 43-45 triệu đồng/tấn (so với khoảng 25 – 30 triệu đồng những năm 2012 đến 2020); mủ nước cũng tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg lên 15.000 – 17.000 đồng/kg.
Về nhu cầu: Báo cáo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) mới đây cho biết trong khi sản lượng cao su thiên nhiên thế giới tháng 4/2021 đạt
903.000 tấn thì nhu cầu trong cùng tháng lên tới 1,129 triệu tấn.
Nguồn cung cao su toàn cầu chuyển sang thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường mua vào. Ngành sản xuất ô tô Mỹ hồi phục tích cực cũng góp phần làm cho thị trường thêm sôi động.
Ngoài ra, một số yếu tố khác sẽ hỗ trợ giá cao su thời gian tới như nhu cầu lốp ô tô tăng do doanh số bán ô tô và hoạt động du lịch hồi phục; nhu cầu găng tay cao su dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng do đại dịch Covid-19 bùng phát ở những nền kinh tế mới nổi; Giá dầu mỏ hồi phục mạnh cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với giá cao su thiên nhiên…
Như vậy, với những tín hiệu tích cực về giá cao su cũng như nhu cầu cao su toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung chưa thể sớm hồi phục, triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn khả quan.
Theo: Bộ Công Thương