5 ngành đang thu hút nhiều vốn FDI nhất
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 lĩnh vực tại Việt Nam. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vị trí dẫn đầu là ngành có vốn đầu tư cao nhất, với tổng vốn đầu tư lũy kế tính đến ngày 20/10/2022 là 257,45 tỷ USD.
Đứng thứ hai là lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 65,76 tỷ USD. Tiếp đến là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước và điều hòa không khí; dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đầu tư lũy kế lần lượt là 38,37 tỷ USD và 12,68 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án cấp mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; Thông tin và truyền thông là lĩnh vực thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 44,16%, 16,75% và 7,38% trong tổng số dự án tính đến ngày 20/10/2022.
Xét về tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư lũy kế đến ngày 20/10/2022, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư lũy kế. Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 15,11% tổng vốn đầu tư.
Công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022. Các lĩnh vực còn lại chiếm 25% tổng vốn đầu tư lũy kế đến ngày 20/10/2022.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt khoảng 24,46 tỷ USD, bằng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ngành, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư là hơn 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là các ngành sản xuất, phân phối điện và hoạt động khoa học công nghệ với số vốn đăng ký lần lượt là hơn 928 triệu USD và hơn 853 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Khó khăn trong cuộc đua FDI
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các công ty nước ngoài theo đuổi chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc +1” nhờ chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và ổn định chính trị.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết một số FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP, tạo điều kiện thuận lợi khi giao thương với các đối tác lớn và khu vực trên thế giới.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt mục tiêu đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới như dây chuyền sản xuất iPhone, iPad của Apple, dây chuyền sản xuất điện thoại của Google. Xiaomi và Oppo cũng bày tỏ ý định thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Theo VNDirect, dự báo vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng 10-12% và vốn FDI giải ngân tăng 6-8% trong năm 2023.
VNDirect nhận thấy cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực ASEAN ngày càng gay gắt. Việt Nam dường như bị tụt lại phía sau khi họ không tạo được sự hiện diện đáng chú ý trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện.
Năm 2021, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia trong khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất. Trong khi Việt Nam nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất điện tử, Indonesia tập trung phát triển chuỗi cung ứng xe điện.
Tuy nhiên, năm 2022, Malaysia ghi nhận mức FDI tăng đột biến lên 32 tỷ USD, cao hơn Indonesia (31 tỷ USD) và Việt Nam (16 tỷ USD).
Các nhà phân tích tin rằng ngành công nghiệp xe điện và chất bán dẫn đang định hình dòng vốn FDI vào ASEAN. Những thay đổi lớn trong hai ngành này bao gồm sự xuất hiện của các loại hình đầu tư mới, bổ sung các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tăng cường mạng lưới phân phối.
Trước tiềm năng to lớn của hai ngành trong tương lai, các nước trong khu vực đã tích cực triển khai nhiều chính sách thu hút FDI vào chuỗi sản xuất này, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng dường như Việt Nam đi chậm hơn so với các nước khác do chính sách thu hút chưa có sự phân biệt. Điều đó có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới.
Theo: VietnamCredit