2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam đạt 207,56 nghìn tấn, kim ngạch 63,5 triệu USD, tăng 68,2% về lượng và tăng 73,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu phân bón các loại đạt 614,3 nghìn tấn, kim ngạch 159,5 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 16,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến thị trường phân bón quý I/2021
Trên thế giới, xu hướng giá phân bón thế giới tăng bắt đầu từ gần cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh, nhất là để trồng ngô và đậu tương. Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị giảm nhiều do dịch Covid- 19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước tàu biển tăng gấp nhiều lần cũng ảnh hưởng tới giá vận chuyển phân bón.
Giá phân Ure tăng khoảng gần 21% từ đầu năm đến nay, tại Mỹ giá bán lên tới 457 USD/tấn. Mặc dù giá Ure hiện cao hơn nhiều so với năm 2020, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá của năm 2019.
Giá phân DAP dẫn đầu trên thị trường phân bón thế giới về mức tăng, tăng tới 21% từ đầu năm đến nay, giá bán trên thị trường Mỹ hiện đạt trung bình 600 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2013. Nhìn chung, giá DAP trung bình trên thế giới hiện ở mức 602 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, trong quý I/2021, giá phân bón tăng cao so với thời điểm cuối năm 2020. Theo các đại lý, giá phân bón Ure đã tăng khoảng 20%, với giá bán tại nhà máy là 8.500 đồng/kg. Giá phân bón tăng cao do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào (cụ thể là giá khí tăng nhanh). Ngoài ra, tại nhiều địa phương, để tránh hạn mặn và tranh thủ thời gian, nên sau khi thu hoạch xong bà con xuống giống luôn, dẫn tới nhu cầu phân bón tăng cao hơn so với thông thường. Vì thế, tình trạng thiếu hụt cục bộ diễn ra tại nhiều địa phương, điều này cũng đẩy giá phân bón tăng cao thời gian qua.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt ngay khi các doanh nghiệp lớn trong ngành bù đắp được lượng thiếu hụt. Trong đó, với dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 190.000-230.000 tấn phân bón, phân bón Cà Mau sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho các tỉnh miền Nam trong vụ Hè Thu 2021.Trong tháng 3/2021 và đến hết quý II/2021, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sẽ cung ứng trên 520.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, trong đó chủ lực là Đạm Phú Mỹ vào khoảng 400.000 tấn.
Công ty CP DAP Đình Vũ sản xuất 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 46.190 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng. Kế hoạch các tháng 3 và 4 này, DAP Đình Vũ vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 – 26.000 tấn. Cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 –
50.000 tấn/tháng. Ngoài nguồn hàng sản xuất trong nước, nguồn cung DAP còn đến từ nhập khẩu. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 800.000 – 1 triệu tấn phân bón DAP.
Theo nhận định, thời gian tới, thị trường Ure thế giới sẽ ổn định do giá đã tăng khá cao so với năm 2020, nhu cầu một số khu vực sẽ giảm dần, trừ Ấn Độ. Do vậy, áp lực đối với thị trường phân bón trong nước sẽ giảm nhiệt hơn.
Vụ lúa Hè Thu phải hơn một tháng nữa mới đến và các công ty đang chuẩn bị đầy đủ lượng phân bón đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, do đó, người dân không cần phải mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn.
Tình hình xuất – nhập khẩu phân bón các loại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 Về xuất khẩu
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam tháng 2/2021 đạt 80,9 nghìn tấn, kim ngạch 25,3 triệu USD, giảm 36,3% về lượng và giảm 34% về kim ngạch so với tháng 01/2021; tăng 5,9% về lượng và tăng 8,3% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam đạt 207,56 nghìn tấn, kim ngạch 63,5 triệu USD, tăng 68,2% về lượng và tăng 73,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại trong tháng 2/2021 đạt 312,7 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu trung bình phân bón các loại của Việt Nam đạt 306 USD/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2/2021, Việt Nam xuất khẩu phân bón nhiều nhất sang thị trường Campuchia, chiếm 35,8% tổng lượng phân bón xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang thị trường Đài Loan tăng vọt trong tháng 2/2021 đã đưa Đài Loan trở thành thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ hai của Việt Nam, với lượng xuất khẩu đạt 12,19 nghìn tấn, kim ngạch 3,58 triệu USD, tăng 1.677% về lượng và tăng 1.701,2% về kim ngạch so với tháng 01/2021; tăng 3.058% về lượng và tăng 3.282,3% về kim ngạch so với tháng 02/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 nghìn tấn, kim ngạch 3,78 triệu USD, tăng 2.258,2% về lượng và tăng 2.436,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu:
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam trong tháng 2/2021 đạt 294,6 nghìn tấn, kim ngạch 75,38 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 10,8% về kim ngạch so với tháng 01/2021; giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 5,6% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại vào Việt Nam đạt 614,3 nghìn tấn, kim ngạch 159,5 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 16,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2/2021, giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại của Việt Nam đạt 255,90 USD/tấn, tăng 12,5% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình phân bón các loại đạt 259,6 USD/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2/2021, nhập khẩu phân bón các loại từ các thị trường chủ lực về Việt Nam đều tăng so với tháng 01/2021, trong đó, nhập khẩu từ thị trường Ixraen tăng mạnh nhất, tăng 400,2% về lượng và tăng 372,7% về kim ngạch, đạt 25,49 nghìn tấn, kim ngạch 6,85 triệu USD.
So với tháng 2/2021, nhập khẩu phân bón từ thị trường Philippin tăng mạnh, tăng 1.260,5% về lượng và tăng 922,8% về kim ngạch, đạt 6 nghìn tấn, kim ngạch 1,86 triệu USD.
Nhìn chung trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phân bón các loại từ các thị trường chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, nhập khẩu từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc đạt 244,3 nghìn tấn, kim ngạch 61,4 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 38,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Theo: Bộ Công Thương
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Phân bón tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-fertilizers-and-nitrogen-compounds_309#C