11 tháng năm 2020, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,28 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, nhập khẩu giấy các loại đạt 1,84 triệu tấn, kim ngạch 1,503 tỷ USD, tăng 0,1% về lượng và giảm 7,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Về xuất khẩu: Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2020 kim ngạch xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy của Việt Nam đạt 109,5 triệu USD, giảm 7,9% so với tháng 10/2020 nhưng vẫn tăng 11,4% so với tháng 11/2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,28 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 10/2020, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy sang 2 thị trường trên đều tăng so với tháng 11/2019, với tốc độ tăng lần lượt là 34,5% và 22,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy chủ yếu sang 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, chiếm 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy sang hai thị trường này đều tăng trong 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 84,1%, đạt 330,75 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 46,8%, đạt 277,3 triệu USD.
Về nhập khẩu: Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu giấy các loại vào Việt Nam tháng 11/2020 đạt xấp xỉ 187 nghìn tấn, kim ngạch 148,07 triệu USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 1,2% về kim ngạch so với tháng 10/2020; tuy vậy, so với tháng 11/2019, tăng 0,2% về lượng và tăng 1,0% về kim ngạch. Tính chung 11 tháng năm 2020, nhập khẩu giấy các loại đạt 1,84 triệu tấn, kim ngạch 1,503 tỷ USD, tăng 0,1% về lượng và giảm 7,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 11/2020, Việt Nam nhập khẩu giấy các loại nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, với lượng nhập khẩu đạt 47,8 nghìn tấn, kim ngạch 43,5 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và tăng 9,3% về kim ngạch so với tháng 10/2020; tăng 16,6% về lượng và tăng 22,8% về kim ngạch so với tháng 11/2019. Ngoài ra, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là những thị trường cung cấp lớn giấy các loại vào Việt Nam với lượng nhập khẩu lần lượt là 26,7 nghìn tấn, 24,9 nghìn tấn và 24,07 nghìn tấn.
Tính chung 11 tháng năm 2020, nhập khẩu giấy các loại từ các thị trường chủ lực vào Việt Nam đa phần giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, nhập khẩu từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng 6,7% về lượng và tăng 10,9% về kim ngạch, đạt 438,15 nghìn tấn, kim ngạch 396,1 triệu USD.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu nhiều ngành hàng của Việt Nam giảm đáng kể, tuy vậy, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Trong tháng còn lại của năm 2020 và sang năm 2021, triển vọng xuất khẩu ngành giấy vẫn tốt, đặc biệt là xuất khẩu giấy bao bì sang thị trường Trung Quốc do nền kinh tế nước này đang phục hồi nhanh. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu giấy các loại và bột giấy (HS 48) vào Trung Quốc 10 tháng năm 2020 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam hiện là nguồn cung giấy các loại và bột giấy lớn thứ 8 vào Trung Quốc, tuy vậy, giấy các loại của Việt Nam cùng với Indonesia đang chiếm ưu thế tại Trung Quốc khi Trung Quốc tăng nhập khẩu và tỷ trọng giấy các loại của Việt Nam và Indonesia tăng tại Trung Quốc trong bối cảnh tỷ trọng của các đối thủ cạnh tranh khác giảm.
Xuất khẩu giấy tissue của Việt Nam thời gian tới cũng có triển vọng tốt khi nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Ở chiều ngược lại, việc kinh doanh giấy in, viết sẽ còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu trong khu vực rất yếu và tồn kho vẫn đang cao, cạnh tranh giá bán với giấy nhập khẩu từ Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan… Đặc biệt, do tình hình lao động mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa hoặc đóng cửa hoàn toàn, người dân thắt chặt chi tiêu… nên nhu cầu giấy in, giấy viết cũng sẽ giảm. Xuất khẩu giấy bao bì vào các thị trường Indonesia, Philippines, Ấn Độ, khu vực châu Phi, Nhật Bản, Tây Âu dự báo cũng sẽ bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn không để những thách thức trên ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, mà vẫn cố gắng đầu tư để duy trì sản xuất. Mới đây, Tập đoàn Hapaco đã quyết định đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất giấy tissue với kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh; Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì đã thông qua kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất giấy bao bì với công suất 100.000 tấn/năm; Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Bắc Giang cũng đầu tư mở rộng nhà máy, máy móc, dây chuyền sản xuất cũng như nâng cấp trang thiết bị…
Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành giấy đang đặt nhiều kỳ vọng vào các FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo sự thay đổi về thời gian áp dụng và mức thuế quan đối với một số loại giấy và bìa, nhiều quốc gia sẽ giữ nguyên mức thuế, đồng thời có lộ trình giảm và giảm về 0% các mức thuế giấy, bìa… Việc tham gia vào các FTA sẽ giúp xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 2-3 lần so với trước đây khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, giúp các doanh nghiệp đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa đều có thể xuất khẩu, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, những kỳ vọng này chỉ có thể đạt được khi dịch Covid-19 chấm dứt hoặc thế giới có vắc xin phòng chống dịch, nếu không thì việc xuất khẩu, giao thương quốc tế vẫn sẽ gặp bất lợi.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Giấy Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/manufacture-of-pulp-paper-and-paperboard_282#C