Thị trường vàng trong nước đang có mức chênh lệch giá mua – bán rất cao, bởi vẫn chưa nhận định được xu hướng của vàng thế giới. Đây là trạng thái nhạy cảm quá mức và rủi ro cho người mua là rất lớn.
Thị trường đang có độ nhạy cảm cao
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp vàng vẫn giữ chênh lệch giá mua bán ở mức vài triệu đồng/lượng cho thấy rủi ro với việc đầu tư vàng vẫn hiện hữu và thị trường kim loại quý này của thế giới vẫn chưa thiết lập được vùng giá ổn định. Việc giá cả thị trường vàng nội địa và thế giới vẫn chưa thể liên thông khiến những biến động giá trở nên nhạy cảm quá mức.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất cứ khi nào nhà kinh doanh vàng để chênh lệch giá mua – bán trên 1 triệu đồng là đều đang đẩy rủi ro về phía khách hàng. Thậm chí, có thời điểm mức chênh lệch này bị đẩy lên tới 3-4 triệu/lượng, tức là toàn bộ rủi ro giảm giá của kim loại quý đang do người mua gánh chịu.
Vị chuyên gia này cho biết mức chênh lệch được xem là bình thường với vàng hiện nay phải là 100.000-300.000 đồng/lượng. Nếu nó bị đẩy lên 500.000-700.000 đồng tức là thị trường đã xuất hiện rủi ro và khi chênh lệch lên trên 1 triệu là rủi ro ở mức rất cao.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định chênh lệch giá mua và bán vàng trong nước hiện nay cho thấy thị trường đang rất nhạy cảm. Việc các doanh nghiệp niêm yết chênh lệch giá cao, trong khi giá bán ra chỉ cao hơn chưa tới 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi, cho thấy chính các nhà kinh doanh cũng chưa đoán được xu hướng của giá vàng trong ngắn hạn.
“Vàng chưa xác thực được xu hướng tăng nên doanh nghiệp không thể thổi giá lên như trước đó. Tuy nhiên, giá hiện nay cũng chưa ổn định để họ kéo giá bán xuống sát giá thế giới quy đổi”, ông Khánh nói.
Một đại diện từ Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) phân tích giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới nhưng thực chất thị trường trong nước và thế giới chưa liên thông hoàn toàn. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước tạm thời không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC; đồng thời vàng miếng SJC được sản xuất và chuyển cho thị trường vàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng miếng được bán trên thị trường đã phải bao gồm thuế phí, chi phí gia công, chế tác…
“Thống kê tại PNJ, trong tuần qua giao dịch vàng không tăng đột biến, nhưng ở một số thời điểm nhất định khi giá vàng SJC biến động mạnh thì nhu cầu có tăng cao. Do đó việc doanh nghiệp điều chỉnh nới biên độ mua – bán là cần thiết”, vị này cho hay.
Trên thực tế, vàng thế giới chủ yếu giao dịch qua tài khoản (vàng tài khoản) và được giao dịch bởi các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính và nhà đầu tư kinh doanh vàng phái sinh. Trong khi giao dịch vàng ở Việt Nam là vàng vật chất nên sẽ có độ trễ biến động nhất định. Vì vậy, cũng cần thời gian để điều chỉnh biên độ giá phù hợp.
Thiếu vùng an toàn cho người tham gia
Cú “rơi thẳng đứng” của giá vàng ngày 12-8 , đặc biệt là hiện tượng chênh lệch giá mua vào – bán ra được nới rất rộng, đánh dấu sự đứt gãy lớn đầu tiên trong chuỗi leo thang của giá vàng vừa qua. Những phiên “lộn nhào” như vậy cho thấy rõ, vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới nhưng thời gian tăng, giảm không đồng bộ.
Có khi giá vàng Việt Nam tăng, giảm theo giá vàng thế giới gần như tức thời, nhưng có lúc chậm một vài nhịp so với giá vàng thế giới. Theo chuyên gia Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tốc độ nhanh hay chậm này nhằm bảo vệ trạng thái của chủ doanh nghiệp vàng tại Việt Nam.
Thực tế, sự lệch pha này tạo nên độ vênh rất lớn giữa giá trong nước và quốc tế, trong những thời điểm biến động, mức độ chênh lệch có thể lên đến 6%. Với mức chênh này, khách hàng bị thiệt thòi rất nhiều khi mua bán vàng. Thậm chí, nếu tham chiếu diễn biến của phiên biến động mạnh 12-8 tuần trước, sẽ thấy giá mua ở mức 47,52 triệu đồng/lượng, giá bán là 52,2 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch lên tới 4,68 triệu đồng, gần 10%.
“Giả sử khách hàng mua thì giá vàng phải tăng lên 10% thì mới hòa vốn. Nếu giá vàng tăng 15% thì khách hàng chỉ được lợi nhuận là 5% trên giá vốn. Nhưng nếu giá vàng giảm 5%, thì khách hàng lỗ 15% trên giá vốn. Khách hàng nắm lưỡi, doanh nghiệp vàng nắm cán. Vì thế tôi gọi đây là sự chênh lệch giá rất “hỗn” của vàng trong nước”, ông Chánh nêu quan điểm.
Giải thích về việc “đẩy khó” cho khách hàng khi neo giá chênh lệch mua – bán ở mức rất cao, đại diện một công ty vàng lớn tại TPHCM cho rằng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những ngân hàng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ phải đáp ứng mọi nhu cầu của khách đến giao dịch.
“Lúc nào khách tới mua hoặc bán, doanh nghiệp đều phải đáp ứng chứ không có chuyện không mua vào hoặc không có vàng bán ra. Dù biên độ giá chênh lệch mua – bán giãn rộng nhưng vẫn có giao dịch, cho thấy thị trường chấp nhận mức giá này, chứ không phải doanh nghiệp muốn để giá nào cũng được. Các doanh nghiệp cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau và khách hàng quyết định thời điểm mua vào hay bán ra”, vị này nói.
Nguồn: thesaigontimes
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Buôn bán, kinh doanh Vàng tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/other-retail-sale-of-new-goods-in-specialized-stores_824#G