Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm xuống 1.385,29 điểm sáng ngày 8/7/2021, sau khi duy trì mốc trên 1.400 điểm ở những phiên trước đó. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm. Ngày 8/7/2021, chỉ số VN-Index giảm xuống còn 1.385,29 điểm; HNX-Index giảm 0,51% xuống 318,19 điểm, UPCoM-Index giảm 0,46% về 88,73 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận khối lượng giao dịch 426 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 13.776,41 tỷ đồng, giảm 18% so với phiên trước đó. Tính riêng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 10.677,72 tỷ đồng.
Khối ngoại quay đầu bán ròng trên HOSE với tổng giá trị 117 tỷ đồng, trong đó NVL là cổ phiếu bị bán mạnh nhất với giá trị 395 tỷ đồng.
Nguyên nhân thị trường giảm điểm là do:
Thứ nhất, về mặt chỉ số, thời gian gần đây VN-Index đã tiệm cận mốc kháng cự mạnh 1.415-1.420. Do đó việc xuất hiện phiên điều chỉnh là việc đã được lường trước.
Thứ hai, thời gian qua dòng tiền chủ yếu đổ dồn vào cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng, do đó áp lực chốt lời xuất hiện trên diện rộng ở các cổ phiếu này. Đối với những doanh nghiệp được nhà đầu tư kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý 2/2021, giá cổ phiếu đã phản ánh gần đây, vì vậy áp lực chốt lời cũng xuất hiện.
Thứ ba, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dấy lên những lo ngại về khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, trải qua khoảng thời gian thị trường chứng khoán tăng trưởng, nhiều nhà đầu tư đã có khoản lời nhất định. Để gia tăng lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư cũng sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ký quỹ (margin). Do đó, khi thị trường điều chỉnh, gây áp lực margin call (lệnh gọi ký quỹ), kích hoạt giao dịch bán diễn ra nhanh và mạnh.
Thứ năm, những ngày gần đây thị trường đã xuất hiện các phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, với hệ thống cũ, khi thanh khoản rơi vào mốc 22.000 tỉ đồng, việc khớp lệnh bị chậm lại, đà giảm phải dừng, muốn bán cũng không được. Tới nay, hệ thống mới đã đi vào hoạt động, việc mua bán cũng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Trong ngắn hạn, đà tăng của thị trường sẽ trở lại. Tuy nhiên, khi có nhịp điều chỉnh giảm mạnh, không tránh khỏi khả năng rủi ro lớn. Do đó kiểm soát tỉ trọng danh mục là điều rất cần thiết trong giai đoạn này.
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao, đang sử dụng margin, cần bán dọn phần margin, thậm chí bán giảm tỉ trọng danh mục đến mức cân bằng. Việc làm này giúp đảm bảo sự an toàn danh mục trong trường hợp thị trường có xu hướng suy giảm mạnh trong ngắn hạn, chủ động lượng tiền mặt để tham gia trở lại khi các cổ phiếu có triển vọng trở về vùng giá hợp lý.
Với những nhà đầu tư giữ lượng tiền mặt lớn, có thể xem xét mở vị thế mua với tỉ trọng thấp, khi thị trường về vùng hỗ trợ 1.283 – 1.320 điểm.
Chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 19,3 lần, như vậy xét về cả so sánh tương đối và thống kê lịch sử, mức định giá của thị trường hiện tại đã không còn rẻ, tuy nhiên vẫn chưa phải là đắt. Kỳ vọng thị trường sẽ sớm điều chỉnh khi mức P/E chạm ngưỡng 20x (hoặc có thể là 21x). Nhịp điều chỉnh có thể đẩy VN-Index về ngưỡng 1.200 điểm. Đây là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng trong 3 năm tới.
TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay ghi nhận những kỷ lục về tài khoản mới mở, thanh khoản các phiên giao dịch và chỉ số VN-Index.
Tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới với thanh khoản nhiều phiên đạt hơn 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt hơn 105% GDP.
Hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có 500 nghìn tài khoản được mở mới trong 6 tháng đầu năm và con số này tiếp tục tăng lên. Dự kiến cuối năm có thêm khoảng 300 nghìn tài khoản mới, hướng đến mục tiêu có khoảng 5% tài khoản trên tổng dân số cả nước, tương đương năm triệu tài khoản chứng khoán. Về khối ngoại, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là 49,5 tỷ USD.
Đây là sự tăng trưởng tốt, phù hợp của thị trường chứng khoán trong bối cảnh những tháng đầu năm, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch Covid-19.
Tăng trưởng GDP tuy thấp so với mục tiêu đề ra nhưng là mức ấn tượng so với các nước trong khu vực. Thị trường tăng trưởng tốt còn nhờ dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất khá thấp và ổn định. Dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Dòng tiền phát ra từ ngân hàng được kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó là tác động từ chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia kéo theo lãi suất xuống thấp vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu và những người trẻ có thu nhập tương đối đang đầu tư một lượng tiền đáng kể vào thị trường.
Do đó, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán vẫn còn khi các kênh đầu tư khác như bất động sản chưa lấy lại được sự hấp dẫn. Nhưng sắp tới, một số cổ phiếu tăng nóng có thể sẽ điều chỉnh.
Để phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên bốn trụ cột, gồm tái cấu trúc hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán. Các vấn đề này được đặt ra trong nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.
Theo: Bộ Công Thương