Ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh trở lại. Chỉ số VN-Index liên tiếp ghi nhận mức đỉnh mới. Mặt bằng lãi suất thấp, sự ủng hộ phát triển thị trường của Chính phủ và các kênh đầu tư khác đang gặp khó khăn là ba yếu tố hỗ trợ rất nhiều cho dòng tiền vào kênh chứng khoán. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay lại mua ròng cũng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Triển vọng thị trường chứng khoán thời gian tới tương đối khả quan nhờ tình hình khống chế dịch Covid-19 và chiến lược dần mở cửa, giúp phục hồi kinh tế.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/10/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.420,27 điểm được thiết lập ngày 2/7/2021 khi tăng 31,39 điểm (2,26 %) lên 1.423,02. Toàn sàn có 355 mã tăng, 95 mã giảm và 42 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,56 điểm (1,65%) lên 404,37 điểm. Toàn sàn có 149 mã tăng, 88 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (0,78%) lên 102,67 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VIC, VHM, MSN, HPG… tăng điểm đã giúp thị trường giao dịch hưng phấn hơn. Trong đó, GAS đẫn đầu đà tăng nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu thế giới. Đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn giúp VN-Index tăng lên mốc lịch sử mới 1.423 điểm. Các cổ phiếu ngân hàng như CTG, STB, VPB, VCB, HDB… đồng loạt tăng mạnh. Đà tăng còn lan rộng sang nhiều nhóm ngành khác như bất động sản, chứng khoán, xây dựng, thép… giúp giao dịch trở nên sôi động hơn.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.419 tỷ đồng, tăng 29,7% so với phiên trước đó, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 28% lên mức 25.039 tỷ đồng.
Đà bán ròng liên tục thời gian qua của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm chỉ số dưới mốc 1.400 điểm. Tuy nhiên, trong phiên 27/10/2021, các nhà đầu tư nước ngoài quay sang mua ròng với giá trị lớn, 1.020 tỷ đồng trên sàn HSX. Cụ thể, các nhà đầu tư tập trung mua ròng trở lại HPG, KBC, STB trong khi bán ròng NLG, PAN, VRE..
Tiếp nối đà tăng trước đó, chỉ số VN-Index sáng 28/10/2021 tiếp tục tăng 9,06 điểm (0,64%) lên mức 1.432,08 điểm, HNX-Index tăng 4,47 điểm (1,11%) lên 408,84 điểm, UPCoM-Index tăng 1,31 điểm (1,28%) lên 103,98 điểm. Tâm lý giao dịch tích cực đẩy dòng tiền mạnh mẽ gia nhập vào thị trường, theo đó thanh khoản phiên sáng 28/10/2021 tăng mạnh lên gần 19.000 tỷ đồng, tương đương 690 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt 14.868 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với phiên trước.
Nhóm chứng khoán là tâm điểm thu hút dòng tiền với hàng loạt mã tăng mạnh như AGR, CTS, MBS, VND, FTS, VCI…Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch tích cực với nhiều mã tăng như ACB, CTG, MBB, VCB, TPB, HDB, VPB… Diễn biến tích cực cũng đến với các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với nhiều mã tăng khá tốt như CEO, DIG, DRH, HDC, HDG, HLD, NBB…
Tăng vốn tác động tích cực lên thị trường chứng khoán
Mặt bằng lãi suất thấp, sự ủng hộ phát triển thị trường của Chính phủ và các kênh đầu tư khác đang gặp khó khăn là ba yếu tố hỗ trợ rất nhiều cho dòng tiền vào kênh chứng khoán. Điều này đã thể hiện ở số tài khoản chứng khoán mở mới, thanh khoản thị trường gia tăng và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020 (392.527 đơn vị). Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 9 đạt hơn hơn 3,69 triệu đơn vị.
Bên cạnh việc nhà đầu tư mở tài khoản mới, thanh khoản sôi động trên thị trường còn được trợ lực bởi dòng tiền margin. Tính đến hết ngày 30/9/2021, dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) của 56 CTCK đã công bố báo cáo tài chính đạt khoảng 154.000 tỷ đồng, cao hơn 68% so với cuối năm 2020 (91.464 tỷ đồng).
Để gia tăng năng lực tài chính, nhiều CTCK đã huy động nguồn vốn nước ngoài để giảm chi phí vốn và thực tế đã có hàng trăm triệu USD vay tín chấp đã được rót vào thị trường Việt Nam thông qua CTCK.
Tháng 7/2021, SSI đã ký hợp đồng vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, SSI cũng từng huy động thành công các khoản vay tín chấp nước ngoài với hạn mức lần lượt là 55 triệu USD và 85 triệu USD.
VND cũng nhận được khoản vay hợp vốn kỳ hạn 1 năm từ nhóm các ngân hàng nước ngoài với tổng giá trị 100 triệu USD. Trong lần thu xếp vốn này, Maybank Kim Eng Securities Pte. Ltd Singapore đóng vai trò là đơn vị thu xếp duy nhất của khoản vay (MLAB), bắt đầu đàm phán từ cuối tháng 5/2021 với giá trị cam kết ban đầu 50 triệu USD kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) lên đến 50 triệu USD. Đây cũng là khoản vay đầu tiên của VND tại thị trường vốn nước ngoài với mục tiêu phục vụ phát triển kinh doanh và mở rộng quy mô hoạt động.
Trước đó, trong tháng 4/2021, CTS cũng liên tiếp thực hiện ký kết các gói vay với tổng trị giá 90 triệu USD, tương đương hơn 2.070 tỷ đồng đến từ nhóm các ngân hàng Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Hay như vào tháng 5/2021, HCM cũng đã ký Hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD – tương đương 1.015 tỷ đồng với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng First Commercial Bank (FCB).
Bên cạnh việc gia tăng huy động vốn ngoại, thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán còn có xu hướng chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, vừa giúp tăng hạn mức cấp margin, vừa tạo nguồn cho vay khi việc huy động vốn từ trái phiếu bị siết chặt. Cụ thể, trong năm 2021 đã có tới 30 CTCK lên kế hoạch tăng vốn thông qua các hình thức như cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ… với tổng số vốn thêm khoảng 24.339 tỷ đồng.
Và tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 CTCK hoàn tất tăng vốn toàn phần hoặc một phần với tổng số vốn tăng thêm ở mức 14.762 tỷ đồng. Điển hình có SSI tăng vốn thêm hơn 4.400 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, thưởng cổ phiếu; VND đã phát hành hơn 3.112 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu; VCI tăng vốn thêm 1.665 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng; VIX tăng vốn thêm 1.262 thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng …
Việc các công ty chứng khoán tăng vốn có nhiều tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán bởi sau khi hoàn thành kế hoạch, mảng cho vay ký quỹ sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đang gia tăng của thị trường cũng như giảm bớt áp lực về tỷ lệ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu, từ đó giúp giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động hơn. Ngoài ra, nguồn vốn dồi dào cũng sẽ giúp bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán có nhiều thay đổi tích cực.
Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng cao trong quý IV
Trong trung – dài hạn, với những tín hiệu tích cực thời gian gần đây như kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới sớm được ban hành và mùa báo cáo số liệu lợi nhuận quý 3 thấp điểm đang dần qua đi, thị trường sẽ dần hình thành kênh tăng giá bền vững trong các tháng cuối năm và năm 2022.
Các số liệu kinh tế vĩ mô quý III/2021 ghi nhận mức tác động tiêu cực của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế nhưng những tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược dần mở cửa sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi. GDP được dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, nên có thể hy vọng thị trường tiếp tục mạnh lên và có tín hiệu nhen nhóm những sóng ngành mạnh mẽ.
Hiện nay mặt bằng giá cổ phiếu ở mức hợp lý, phù hợp đầu tư trung hạn trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng GDP dự báo cao trong quý IV nên vẫn có thể hy vọng thị trường tiếp tục đi lên.
Hiện tại, đang có những cơ hội và rủi ro đan xen, xác suất có được lợi nhuận như giai đoạn trước thấp hơn. Do đó, việc đi sâu vào đánh giá bản chất doanh nghiệp rất quan trọng. Nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có triển vọng tốt trong năm 2022, định giá hợp lý, các doanh nghiệp có dòng tiền dồi dào và tỷ lệ cổ tức cao là điểm cộng. Ngoài ra, nên tránh những cổ phiếu đã tăng quá nóng trong khi chưa có những chuyển biến thật sự về mặt cơ bản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi thị trường có những chuyển biến xấu.
Theo: Bộ Công Thương