Thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện những phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn hút dòng tiền từ các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản. Ngoài ra, TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn khi so sánh với quá khứ, khu vực và các kênh tài sản khác.
Tuần qua, chỉ số VN-Index nhìn chung biến động theo xu hướng giảm, ngoại trừ phiên tăng điểm trở lại ngày 22/6/2021, sau đó giảm trở lại. Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 24/6/2021, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 0,39 điểm (giảm 0,03%), xuống 1.376,48 điểm, HNX -Index giảm 0,41% còn 314,5 điểm, UPCoM-Index giảm 0,36% xuống 89,72 điểm.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6/2021, chỉ số VN-Index giảm 3 điểm (giảm 0,22%) xuống 1.376,87 điểm; HNX-Index giảm 0,41% xuống 315,8 điểm; và UPCoM-Index giảm 0,07% xuống 90,04 điểm. Nhiều cổ phiếu bluechip như GVR, NVL, VIC, MSN, HPG, VNM, PLX… chìm trong sắc đỏ cũng gia tăng áp lực lên các chỉ số. Đồng thời, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PVD, PVS… giảm điểm khiến thị trường thiếu đi sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như bất động sản, bảo hiểm, bán lẻ, vật liệu xây dựng, thực phẩm cũng giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, đà tăng của cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán như VCB, VPB, CTG, BID, SSI, HCM, VND… đã hỗ trợ thị trường thu hẹp đà giảm.
Thanh khoản thị trường dù vẫn giữ mức cao nhưng có phần giảm so với các phiên trước với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 26.000 tỷ đồng.
TTCK Việt Nam vẫn thu hút dòng tiền
Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, kéo dài và diễn biến khá phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó thị trường chứng khoán bùng nổ bất chấp đại dịch Covid-19 và đến nay đà tăng vẫn còn rất mạnh, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết thúc 5 tháng đầu năm nay, chỉ số VN-Index tăng 20% so với cùng kỳ. So với các thị trường chứng khoán trên thế giới, TTCK Việt Nam tăng rất mạnh.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, tấn công hàng loạt quốc gia, nhiều châu lục chịu tác động tiêu cực gây chao đảo TTCK toàn cầu. Nhìn chung giá cổ phiếu trên các TTCK lao dốc, rơi tự do xuống đáy thấp nhất vào các phiên ngày 20 đến 23/3/2020. Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đợt 1 (từ ngày 23/1 – 24/7/2020) bắt đầu đúng vào tuần TTCK nghỉ Tết âm lịch. Phiên đầu tiên sau tết (30/1/2020) và liên tục 2 phiên sau đó VN-Index giảm tổng cộng 6,4%. Tiếp đến 5 phiên liên tục (từ 11-17/3/2020) VN-Index giảm tổng số 11,39%. Đúng thời điểm TTCK toàn cầu lao dốc thẳng đứng (từ 20 – 23/3/2020) tổng cộng 4 phiên liên tục VN-Index giảm 12,33%, xuống còn 659,21 điểm, so với đầu năm giảm 31,5%.
Dịch Covid-19 đợt 1 tuy phát hiện số ca không nhiều chỉ 106 ca nhiễm trong nước, 309 ca nhập cảnh và không có ca tử vong nhưng TTCK bị tác động hết sức tiêu cực do nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Tuy nhiên, từ đợt 2 (27/7/2020 -27/1/2021), đợt 3 (28/1 – 26/4/2021) và đợt 4 từ 27/4/2021 đến nay số ca nhiễm Covid-19 ngày càng cao, dịch diễn biến ngày càng phức tạp nhưng TTCK dường như đã miễn dịch. Duy chỉ có ngày 28/1/2021 (bắt đầu đợt dịch thứ 3) tỉnh Hải Dương công bố cách ly xã hội toàn bộ TP Chí Linh 21 ngày theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TTCK mới chứng kiến một phiên giảm sâu, VN-Index giảm 6,67% và HNX-Index giảm 8,03%.
Còn lại nhìn chung TTCK dường như không quan tâm đến diễn biến và mức độ căng thẳng của dịch. Khảo sát từ ngày 27/4 – 18/6/2021 có 26/37 phiên VN-Index tăng, 11 phiên điều chỉnh nhẹ do nhà đầu tư chuyển sang bán chốt lời. Tính từ 22/5 – 18/6 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, TTCK có 13/17 phiên VN-Index tăng, chỉ 4 phiên giảm nhẹ, trong vài phiên gần đây, TTCK giảm điểm song mức giảm không lớn.
TTCK Việt Nam cũng không có phản ứng với thay đổi trong chính sách tiền tệ của FED. Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 16/6/2021, FED đã dự kiến nâng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn dự kiến trước đó một năm. Ngay lập tức TTCK thế giới có phản ứng tiêu cực. Đặc biệt ngay sau cuộc họp này, một quan chức thuộc Ủy ban Thị trường mở – FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của FED) cho biết có thể FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn trong năm 2022.
Phản ứng thông tin của FED và quan chức của cơ quan trong FED, TTCK thế giới đã chứng kiến một phiên chao đảo mạnh vào ngày 18/6/2021. Tại Mỹ chỉ số DowJones bị giáng đòn nặng và sụt 1,58%, S&P 500 rớt 1,33%, Nasdaq giảm 0,92%. Các TTCK Châu ÂU có mức sụt giảm sâu hơn nữa, DAX mất 1,78%, FTST 1,9%, CAC giảm 1,46%… Tuy nhiên TTCK Việt Nam lại phản ứng ngược chiều, phiên giao dịch ngày 18/6/2021, VN-Index tăng 1,31%, HNX-Index tăng 0,52%.
Thị trường tăng điểm thu hút một lượng lớn nhà đầu tư mới và chính sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư mới lại hỗ trợ thêm cho đà tăng của thị trường. Theo thống kê của trung tâm lưu ký chứng khoán, bình quân trong tháng 5/2021 mỗi ngày có 3.600 tài khoản chứng khoán của cá nhân mở mới con số này gấp 11 lần so với đầu năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm nay có 480 ngàn tài khoản cá nhân mở mới, tài khoản tổ chức cũng tăng thêm 12 ngàn, đưa tổng số tài khoản chứng khoán lên trên 3,2 triệu tài khoản. Trong khi những tuần đầu tháng 6/2021, giá trị giao dịch hàng ngày trên HoSE lên đến 28-32 ngàn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày của tháng 12/2020 là 12.700 tỷ đồng.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết, thị trường chứng khoán tăng điểm thu hút một lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia, làm cho số thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán thu trong 5 tháng đầu năm nay tăng đến 320% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó 5 tháng đầu năm nay số thu thuế từ đầu tư vốn của các cá nhân tăng 169%, trong khi chuyển nhượng bất động sản tăng 183%.
TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn khi so sánh với quá khứ, khu vực và các kênh tài sản khác
Báo cáo của FiinGroup cho biết, chỉ số VN-Index hiện được định giá P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) ở mức 18,6 lần lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất đến hết quý I/2021 và P/B (giá/giá trị sổ sách) ở mức 2,8 lần.
Mặc dù VN-Index đã phá ngưỡng 1.100 điểm vào ngày 31/12/2020 và gần đây là 1.350 điểm vào ngày 03/6/2021 nhưng xét lịch sử 10 năm qua, đây là mức định giá vẫn chưa quá cao so với trung bình 1 lần độ lệch chuẩn của chỉ số định giá này trong vòng 10 năm qua.
Ngoài ra, dựa trên vốn hóa hiện nay và chia cho lợi nhuận cả năm 2021 FiinGroup tính toán P/E dự phóng ở mức 17,8 lần và P/B ở mức 2,1 lần. Tính toán này dựa trên số liệu dự báo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dự kiến tăng 20,7% và khối ngân hàng là 23,8% (chưa xem xét yếu tố pha loãng lợi nhuận trên cổ phiếu do ảnh hưởng của việc phát hành vốn mới của doanh nghiệp trong năm 2021).
Với số liệu dự báo này, PEG (chỉ số đánh giá tương quan giữa P/E hiện tại của thị trường và tăng trưởng lợi nhuận năm tiếp theo) cũng ở mức được xem là khá hấp dẫn. Với P/E = 18,6 lần và số liệu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 ở mức 20,7%, thì PEG của VN-Index hiện ở mức 18,6/20,7 = 0,89.
Mặc dù vậy, theo FiinGroup, thị trường cũng cho thấy nhiều yếu tố rủi ro cần theo dõi. Theo đó, nhóm ngân hàng đóng góp tới 43% cơ cấu lợi nhuận năm 2021 toàn thị trường. Trong khi câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của khối phi ngân hàng có độ chắc chắn cao hơn trong bối cảnh hiện nay.
Do đó, việc theo dõi quý II/2021 và các thay đổi chính sách liên quan có ảnh hưởng như lãi suất huy động, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu, khả năng tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ cũng như hoạt động phát hành pha loãng sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cần theo dõi và đánh giá ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nói chung và đến các chỉ số nền tảng này của thị trường.
Mặc dù lợi nhuận sau thuế được dự báo là tăng trưởng với tốc độ cao như vậy trong năm 2021 và cả dự báo năm 2022, song yếu tố rủi ro pha loãng cũng khá lớn. Tức là trong thời gian tới, số lượng cổ phiếu mới phát hành sẽ tăng lên trong khi nguồn vốn huy động trong năm nay của doanh nghiệp sẽ góp phần đem lại lợi nhuận trong các năm tiếp theo.
Do đó, các chỉ số về định giá và lãi cơ bản trên cổ phiếu sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn. Trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2021 của khối doanh nghiệp phi tài chính được dự báo tăng trưởng 20,7% nhưng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) được tính toán chỉ dự kiến tăng trưởng ở mức 10,1%.
Theo: Bộ Công Thương