Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhóm bất động sản đứt gãy dòng tiền, mất khả năng thanh toán trên thị trường thứ cấp là có, họ chấp nhận giảm giá từ 3-7%, nhưng chủ yếu rơi vào nhóm tài sản giá trị lớn. Tuy nhiên, đó là số ít, không đại diện cho thị trường BĐS.
Theo vị chuyên gia này, kể từ giai đoạn 2016-2021, thị trường bất động sản không còn xuất hiện tình trạng giảm giá rầm rộ như đợt khủng hoảng thập kỷ trước. Ngay khi dịch diễn biến phức tạp, giá chào bán nhà đất tại Tp.HCM vẫn tăng lên do nhiều lý do: Nguồn cung khan hiếm vì vướng thủ tục pháp lý kéo dài, quỹ đất hữu hạn, chi phí đầu vào cao, chi phí tài chính phình to….
Trên thực tế, bất động sản có xảy ra giao dịch giảm giá nhưng không được công bố vì quá trình giảm này được các bên thương lượng riêng, và cũng không đại diện cho tình hình thị trường chung. Theo ông Quang, dù trải qua 3 tháng dịch Covid-19 bùng phát nhưng giá bất động sản ở các tỉnh chưa có hiện tượng bán tháo, bởi hầu hết người mua đều đang “gồng”, chỉ có khoảng 10-20% người giữ bất động sản vùng ven muốn bán vì cần tiền. Những đối tượng này cũng không thuộc diện bán tháo, cắt lỗ mà tuỳ theo giá thị trường để ra hàng nhanh, hoặc giảm kì vọng lợi nhuận từ 3-5%.
Vì thế, theo ông Quang, việc nhà đầu tư ngồi chờ bắt đáy thị trường sẽ vô vọng. Cuộc chơi BĐS chỉ dành cho bên chủ động đi săn, người mua phải chủ động mặc cả để tiếp cận được giá mềm hơn khung niêm yết.
Báo cáo từ CBRE Việt Nam cũng cho thấy, từ đầu năm 2021 dòng tiền đổ vào bất động sản tăng rất nhanh, nhất là giai đoạn đầu năm, nhiều tỉnh đã xảy ra tình trạng sốt đất. Lượng người muốn đầu tư vào bất động sản trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%, còn lại 35% đổ vào chứng khoán.
Tuy vậy, 3 tháng (7,8 và 9/2021) do giãn cách xã hội để chống dịch nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà hầu như tập trung vào chứng khoán. Tuy nhiên, chưa xảy ra hiện tượng bán tháo bất động sản, nhất là ở các địa phương lân cận Tp.HCM. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tiền và chờ cơ hội để mua bất động sản sau dịch.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, do càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.
Ghi nhận cho thấy, thị trường bất động sản hạ nhiệt do dịch, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều nhà đầu tư tháo chạy nhưng ở chiều ngược lại, một bộ phận khác lại tranh thủ gom bất động sản chờ đợt sóng mới. Sau khi các tỉnh nới giãn cách, hoạt động BĐS trở lại gần như nhanh hơn dự đoán. Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào BĐS lúc này. Họ có thể đi săn “hàng ngộp” trong dịch nhưng số lượng hàng ngộp này thực tế không nhiều.
Cũng theo ông Kiệt, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay người dân có thu nhập cao, khi đại dịch xảy ra, dòng vốn không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên họ có xu hướng rót tiền vào bất động sản vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong lâu dài. Theo đó, việc chờ BĐS xuống giá để bắt đáy là khó.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lại cho rằng, việc chờ giá bất động sản xuống để ‘bắt đáy” là khó, trừ một số trường hợp nhà đầu tư lỡ rót tiền vào dòng sản phẩm cao cấp quá lâu mà thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì bị áp lực tín dụng, áp lực trả nợ buộc họ phải bán rẻ, phải “cắt lỗ”. Nhưng một số trường hợp này thì không phản ánh bản chất thật của toàn thị trường bất động sản.
Theo: Cafef