Theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2021 đạt 850 triệu USD, giảm 26,9% so với tháng 8/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 584 triệu USD, giảm 37,9% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,43 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,03 tỷ USD, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2021 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, thủ phủ sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam. Khi làn sóng dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều nhà máy gỗ đã phải thu hẹp, thậm chí tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động theo mô hình “3 tại chỗ”, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20-50% so với trước thời điểm giãn cách, nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động. Số lượng doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu cũng giảm.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7/2021 đã bị tác động bởi dịch Covid-19 khi mức tăng trưởng chậm lại đáng kể, chỉ còn tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,33 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 7/2021, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chậm lại so với các tháng đầu năm 2021 do dịch Covid-19 trong nước bùng phát. Trong đó, Ghế khung gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 307,9 triệu USD, tăng 21,8% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ghế khung gỗ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 100,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và đồ nội thất phòng ngủ trong tháng 7/2021 đều tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn đáng kể so với mức tăng mạnh trong các tháng trước.
Tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Canada, Australia… chậm lại khi mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 7 tháng, trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… lại cao hơn đáng kể.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 7/2021, nhưng mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường này chỉ còn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 78% của 7 tháng đầu năm 2021; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng chỉ còn tăng 9,7% so với mức tăng 24,8%; xuất khẩu sang EU giảm 1,2%, so với mức tăng 34,1%…
Nhìn chung, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 trong nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi trở lại bởi nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường lớn nhất Mỹ. Thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh khi Chính phủ Mỹ cho vay lãi suất thấp, nhiều gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa sẽ thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ nội thất. Thêm vào đó, nhiều quốc gia từng bước dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát, phong tỏa, đưa hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục trở lại. Vì vậy, nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát sẽ phục hồi. Tuy nhiên, mức độ tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong các tháng cuối năm khó trở về mức các tháng đầu năm 2021 do các nhà nhập khẩu nhiều khả năng sẽ buộc phải tìm nguồn cung thay thế trong thời gian nguồn cung cấp từ Việt Nam bị gián đoạn.
Theo: Cafef