Theo Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, căn cốt xảy ra tham nhũng, khiếu kiện đất đai là định giá đất. Hiện có 4 phương pháp định giá đất , nhưng cơ quan định giá áp phương pháp này thì ra giá này, áp dụng phương pháp kia ra giá kia, dẫn đến chênh lệch giá.
Phải thay đổi cách định giá, thay đổi từ quản lý hành chính sang là công cụ kinh tế. Khung giá sẽ thay đổi bằng bảng giá thị trường.
Theo đó, Nhà nước muốn giao đất thì phải đấu giá để lấy giá thị trường. Người dân muốn chuyển nhượng cho nhau thì phải lên sàn và thỏa thuận với nhau theo giá thị trường. Giá thị trường có thể biến động nhưng sẽ có phương pháp đưa đến giá trị trung bình của thị trường ổn định.
“Các nước đã có nhưng điều đó chỉ làm được khi mọi người giao dịch đất đai phải trên sàn, phải công khai, giá đất thực và người nào không cung cấp thông tin thực phải xử lý theo quy định pháp luật. Đấu giá đất vừa rồi ở Thủ Thiêm không phải là thị trường mà là “thổi giá””, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Theo đó, giá đất thị trường dùng phương pháp đưa tất cả giá đất giao dịch phổ biến trong thời điểm bình thường để đưa thành giá trị trung bình.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết: “công việc này phải công khai, minh bạch, mọi thứ giao dịch trên sàn phải thực. Người không công khai, không đăng ký thì không thừa nhận quyền sử dụng đất”.
Dự kiến đến năm 2025, dữ liệu đất đai sẽ hoàn thành, theo đó dữ liệu sẽ bao gồm các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai về diện tích, loại tài nguyên, vị trí địa lý, kinh tế (giá đất). Ngoài ra kết nối với hệ thống dữ liệu dân số, thuế. Người dân sẽ có thông tin quy hoạch đất đai quốc gia, tỉnh, huyện… Dựa theo bản đồ và quy định công thức để người dân có thể tự định giá được từng thửa đất.
Bộ trưởng Hà nêu rõ, bỏ khung giá đất là cần thiết bởi đây là thứ không rõ ràng và sẽ dần được thay thế bằng bảng giá đất hằng năm, tiếp đó là giá thị trường.
Bảng giá thị trường trong thời gian tới có thể xác định giá ở từng thời điểm, tuy nhiên để thực hiện được sẽ phải cần 5-10 năm. Bên cạnh đó, sẽ tính toán đất đã được giao phải sử dụng hiệu quả theo tiến độ dự án khi đấu thầu, đấu giá.
Người chậm đưa đất vào sử dụng sẽ tính thêm khoản tiền, còn nếu chuyển nhượng đất cho người khác mà phát sinh địa tô chênh lệch thì số lãi của giá đất tăng lên sẽ bị thu. Điều này là nhằm hạn chế sự đầu cơ, núp bóng người dùng và như vậy sẽ giảm tình trạng ôm đất”, ông Hà chỉ rõ.
Tuy nhiên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, liên quan đến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trong 5 năm tới có thể chưa thay đổi nhiều trong việc chuyển nhượng đất . Nhưng sau 5 năm nữa, bộ sẽ tính phương án quy định thu giá trị gia tăng từ việc chuyển quyền sử dụng đất.
Theo: Cafef