Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh dưới tác động của đại dịch Covid-19. Hệ số P/E (forward) hiện đang ở mức 16,5 lần thấp hơn so với các nước ASEAN 6 và thấp hơn so với bình quân các thị trường mới nổi. Trong khi đó, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Việt Nam đang ở mức cao hơn hẳn so với mặt bằng chung khu vực thị trường mới nổi, điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam còn sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư. Năm 2021, cổ phiếu ngành ngân hàng được dự báo sẽ vẫn dẫn sóng nhờ kỳ vọng có sức bật mới khi nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng.
Thống kê của MBS, thị trường chứng khoán toàn cầu đã vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 với mức phục hồi của chỉ số MSCI All – Country World Index tăng cao hơn mức điểm số trước khi xảy ra đại dịch.
Bên cạnh hạ lãi suất, các ngân hàng trung ương đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính và triển khai nhiều chương trình cho vay và mua trái phiếu (của cả Chính phủ và doanh nghiệp). Theo quy luật cung cầu, tiền luôn cân bằng với hàng hóa. Khi tiền lỏng bơm ra quá nhiều, dư thừa, lãi suất đưa về mức thấp kỷ lục, hệ quả tất yếu là giá cả kênh đầu tư sẽ tăng.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn cuối tháng 2 và tháng 3, chỉ số VN-Index giảm nhanh từ mốc 990 điểm xuống 650 điểm, phản ánh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2020, dòng tiền từ nhiều kênh đầu tư khác giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh, vượt qua mốc 1.000 điểm trong tháng cuối năm 2020.
Thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, khối ngoại đã bán ròng thông qua khớp lệnh 33.173 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều thị trường, trong đó có thị trường mới nổi và thị trường biên. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị rút vốn ròng thông qua khớp lệnh với lượng rút ra lớn nhất kể từ đợt rút ròng năm 2018.
Nhóm cổ phiếu ngành tài nguyên, hóa chất, xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp là những nhóm có mức tăng vượt trội nhất. Đây là những nhóm ngành được hưởng lợi hoặc có kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đầu tư công, hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào thấp.
Có 2 yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu, đó là hiệu quả doanh nghiệp và sức mạnh của dòng tiền lỏng.
Theo thống kê của FiinPro, trong quý III/2020, lợi nhuận của 347 doanh nghiệp phi tài chính (trừ Vietnam Airlines) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Một số ngành tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận như tài nguyên cơ bản, ô tô, phụ tùng và bán lẻ. Riêng ngành bán lẻ có doanh thu quý III/2020 gấp 7 lần quý II/2020 và lợi nhuận sau thuế tăng 30,2%.
Khối doanh nghiệp ngành tài chính cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu quý III/2020 tăng 7,1%, lợi nhuận tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo FiinPro, có 8/19 ngành duy trì tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quý III/2020.
Các doanh nghiệp xuất khẩu có triển vọng sáng với các hiệp định thương mại và kỳ vọng các thị trường xuất khẩu lớn hồi phục sau dịch. Nhóm vật liệu xây dựng, khu công nghiệp cũng có cơ hội tăng trưởng, nhất là khi đầu tư công được đẩy mạnh…Theo đó, nhóm cổ phiếu xây dựng công nghiệp (LCG, FCN) và nguyên vật liệu xây dựng (HPG, HSG, NKG, PLC, DHA, KSB) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, thị trường bất động sản trong năm 2021 được dự báo sẽ sôi động trở lại, các cổ phiếu bất động sản (PDR, NLG, DXG, CRE, HLD) và xây dựng dân dụng (CTD, HTN, HBC) có tiềm năng tăng trưởng.
Thực tế, yếu tố nền tảng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chưa có chuyển biến tích cực. Các nhóm doanh nghiệp, trừ khối tài chính, có hiệu quả chưa bằng mức của năm 2019, trong khi giá nhiều cổ phiếu đã về đỉnh 2019. Giá chứng khoán đi nhanh hơn phục hồi nền tảng cơ bản bởi thị trường tăng mạnh là nhờ dòng tiền.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu như năm 2019, dòng vốn qua kênh ETF chiếm hơn 2/3 lượng mua ròng của khối ngoại (khoảng 250 triệu USD) thì trong gần nửa đầu năm 2020, dòng vốn này bị rút ròng mạnh hơn 64,64 triệu USD, tập trung ở quỹ ETF VanEck, VFMVN30 và FTSE Vietnam. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng dòng vốn tiếp tục quay lại các quỹ ETFs nội mới thành lập như VFMVN Diamond (+64 triệu USD), Finland (+22.50 triệu USD) là một trong những tín hiệu tích cực. Kể từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF đã trở lại mua ròng 60,8 triệu USD. Về dài hạn, xu hướng dòng vốn vào TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn và trong 3 năm gần nhất, Việt Nam đã thu hút được 513,58 triệu USD.
Dự báo năm 2021
Kinh tế đang hồi phục và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số chứng khoán tăng. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán năm 2021 có thể sẽ diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 được sản xuất đại trà và dịch bệnh chính thức được đẩy lùi; các chính sách mới của Tổng thống Mỹ, đặc biệt là liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam; tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới; biến động dòng vốn toàn cầu và khả năng nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trên TTCK.
+ Cổ phiếu ngành ngân hàng được dự báo sẽ dẫn dắt TTCK
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn sóng thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng có sức bật mới khi nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng năm 2021.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội đặt ra ở mức 6%. Để thực hiện mục tiêu này, theo giới chuyên môn, tín dụng ngân hàng sẽ tăng khoảng 10-15% là phù hợp.
Những tháng cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng phục hồi khá ấn tượng sau 7 tháng đầu năm chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức từ 10,14 – 11% so với năm 2019.
Triển vọng chung của ngành ngân hàng năm 2021 sẽ tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19. Trong bối cảnh lãi suất thấp, TTCK hấp dẫn hơn, thu hút nhà đầu tư, giúp thanh khoản trên sàn niêm yết gia tăng.
Đối với cổ phiếu ngành công nghiệp thông tin, dược phẩm dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngành giao thông vận tải và giao nhận có thể phục hồi sớm hơn.
Đối với cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu tiêu dùng, may mặc có thể phải đợi tới khi các nền kinh tế lớn kiểm soát được dịch Covid-19.
Theo: VietnamCredit
- Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Chứng khoán Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/industries/security-and-commodity-contracts-brokerage_1072#K